Đây là vùng kinh tế trọng điểm của huyện, đồng thời cũng là trọng điểm phòng, chống lụt bão (PCLB) của tỉnh, huyện. Trong vùng có tổng diện tích 1.932 ha và có 2.770 hộ dân với 10.517 khẩu. Ngoài ra ở khu vực ngoài đê Bình Minh II có tổng diện tích 4.550 ha; trong đó có 4.015 ha vùng bãi bồi ven biển và 535 ha cồn nổi với trên 1.000 hộ đang khai thác, nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, nhiệm vụ PCLB, hậu phương và di dân vùng kinh tế biển là hết sức quan trọng, đòi hỏi có sự chuẩn bị tích cực của các cấp, ngành và nhân dân huyện Kim Sơn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước vùng ven biển trong mùa mưa bão năm 2013.
Lãnh đạo huyện Kim Sơn cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của vùng kinh tế biển, Kim Sơn đã sớm triển khai thành lập Ban chỉ huy PCLB, xây dựng phương án PCLB chung toàn huyện và các trọng điểm; trong đó đặc biệt quan tâm tới công tác hậu phương và di dân vùng bãi bồi ven biển. Huyện chỉ đạo các xã ven biển và các ngành thành lập các tiểu ban, xây dựng phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sát với thực tế của đơn vị mình. Tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng hệ thống công trình thủy lợi, xác định các trọng điểm và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng cứu hộ đê, cứu hộ cứu nạn và di dân khi tình huống xảy ra. Huyện tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ và nhân dân vùng bãi bồi ven biển về tầm quan trọng của công tác PCLB & TKCN; các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tàu tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản… để nhân dân hiểu, tích cực tham gia công tác PCLB. Các ngành phối hợp với các xã ven biển tiến hành kiểm tra nắm chắc tình hình hoạt động của tàu thuyền khai thác thủy sản; số người, tài sản của từng hộ trong và ngoài đê Bình Minh II để khi có bão lũ di chuyển được ngay. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân dân trong vùng kinh tế mới, lực lượng xung kích và các phương tiện tàu thuyền đánh bắt xa bờ về các biện pháp PCLB & TKCN, kỹ thuật sơ cấp cứu. Tiến hành thống nhất với nhân dân trong vùng về các tín hiệu báo động, báo bão, lũ và vị trí neo đậu cho tàu thuyền tránh bão để nhân dân biết chủ động phòng tránh. Tiến hành kiểm tra trang thiết bị đảm bảo an toàn, đèn tín hiệu, thông tin liên lạc của các tàu thuyền trước khi ra khơi và yêu cầu chủ phương tiện đăng ký vùng đánh bắt với cơ quan quản lý để đảm bảo liên lạc giữa ngoài khơi và đất liền. Tuyệt đối không để các tàu thuyền không đủ trang thiết bị an toàn hoạt động trên biển trong mùa mưa bão. Ngành Y tế đã củng cố, tăng cường trang thiết bị y tế; thành lập các đội cấp cứu lưu động và chuẩn bị đủ cơ số thuốc dự phòng để phục vụ cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường trong, sau bão lũ. Củng cố các cụm công an, phân công cán bộ phụ trách xã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là nơi sơ tán dân đến. Hiệp đồng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn sẵn sàng ứng cứu đảm bảo an toàn các vị trí xung yếu.
Để đảm bảo an toàn cho nhân dân và phương tiện vùng ven biển, Kim Sơn đã đề ra biện pháp phòng, chống cụ thể cho từng tình huống: Khi có áp thấp nhiệt đới và bão có sức gió mạnh đến cấp 10 và khả năng đổ bộ vào địa bàn, khẩn trương dùng các phương tiện đèn tín hiệu, loa đài, các máy vô tuyến gọi tàu thuyền ngoài khơi về nơi trú ẩn an toàn. Các tàu thuyền đang làm nghề trên biển, khi nhận được thông tin, tín hiệu báo bão đổ bộ vào vùng biển đang khai thác, nhanh chóng thông báo cho nhau biết để khẩn trương di chuyển vào nơi neo đậu an toàn. Triển khai lực lượng trực tại cửa Đáy và Càn để ngăn không cho tàu thuyền ra khơi; tổ chức di chuyển các hộ nuôi trồng, đánh bắt hải sản ngoài đê Bình Minh II, Bình Minh III vào trong đê Bình Minh II. Tập trung thu hoạch lúa đã chín, hoa màu, thủy sản và triển khai phương án chống úng. Khi có tin bão khẩn cấp từ cấp 12 trở lên đổ bộ vào địa bàn, tổ chức di chuyển ngay nhân dân trong và ngoài đê Bình Minh II vào trong đê Bình minh I để tránh trú bão an toàn. Huy động mọi lực lượng triển khai các biện pháp đối phó với bão và tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Triển khai lực lượng, phương tiện bảo vệ các công trình trọng điểm, kho tàng, chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện. Trong công tác hậu phương và di dân vùng bãi bồi ven biển, Kim Sơn xác định lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là rất quan trọng. Vì vậy, ngoài lực lượng, phương tiện chi viện của tỉnh, huyện đã chỉ đạo mỗi xã ven biển thành lập lực lượng xung kích từ 10-15 người, nòng cốt là dân quân tự vệ và đoàn thanh niên được biên chế trong lực lượng xung kích PCLB của xã để sẵn sàng tham gia tìm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Mỗi xã vùng ven biển chuẩn bị 5 thuyền nhỏ chở được 5-10 người và từ 1-5 xe tải nhỏ phục vụ công tác di dân. Huyện đã xây dựng phương án huy động phương tiện, tàu thuyền của các đơn vị Đồn biên phòng 104, Trạm Hàng giang cửa Đáy, Chi cục Thủy sản và ký hợp đồng 5 xe ô tô tải, 5 xe ô tô khách sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn, di dân và ứng cứu các trọng điểm. Để đảm bảo an toàn cho ngư dân khi đi sản xuất, đến nay huyện đã phát cho các xã và ngư dân nghèo 950 phao cứu sinh; ngoài ra tại kho của Đội quản lý đê huyện còn dự phòng 300 phao cứu sinh để phục vụ công tác TKCN. Cùng với việc chuẩn bị sẵn sàng cho phương án hậu phương và di dân vùng bãi bồi ven biển, Kim Sơn còn chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp để sẵn sàng ứng phó với động đất, sóng thần… Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương chuẩn bị lương thực, phương tiện, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự và phục vụ ứng cứu hộ đê, di dân khi tình huống xảy ra. Xây dựng kế hoạch chuẩn bị vật tư, giống để đáp ứng yêu cầu sản xuất tái vụ khi ngập úng, mất mùa xảy ra.
Thanh Chiên