Tại xóm 8, xã Lai Thành, nhà văn hóa đang được xây dựng. Trước đây, khu đất rộng 100 m2 này thuộc dạng trũng nên khi khởi công, nhân dân xóm 8 đã phải chi hơn 50 triệu đồng để đổ đá san lấp mặt bằng. Hiện tại, phần thô đã được hoàn tất, dự kiến, nhà văn hóa sẽ được lợp ngói để đảm bảo thoáng mát vào mùa hè cũng như tính thẩm mỹ cho công trình.
Nhân dân trong xóm đang rất trông đợi đến ngày khánh thành, bởi từ trước đến nay, mỗi lần họp xóm đều phải nhờ nhà dân, không gian chật hẹp.
Sau 1 tháng nữa, khi nhà văn hóa xóm được hoàn thành, với sức chứa từ 80-100 người, việc tổ chức họp xóm cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ sẽ thuận tiện hơn nhiều.
Ông Trần Văn Trọng, Trưởng xóm 8 cho biết: Kinh phí xây dựng nhà văn hóa xóm ước tính khoảng 300 triệu đồng. Với dân số là 200 nhân khẩu, bình quân khoản đóng góp của người dân là 1,5 triệu đồng/khẩu. Được biết, xóm 8 là một xóm nhỏ, ít nhân khẩu nhất của xã Lai Thành.
Với khoản tiền đóng góp 1,5 triệu đồng/khẩu, trung bình mỗi hộ gia đình có 4 khẩu thì khoản tiền đóng góp là 6 triệu đồng. Đây là con số không hề nhỏ đối với những gia đình thuần nông. Thế nhưng, người dân ở đây lại tự nguyện đóng góp đầy đủ.
Ông trưởng xóm cho biết thêm: Khoản tiền đóng góp này được thu theo vụ sản xuất, tổng cộng là 3 lần, mỗi lần thu 500 nghìn đồng/khẩu. Điều này sẽ giảm bớt "gánh nặng" đóng góp cho bà con. Riêng đối với các hộ thuộc diện nghèo, người già trên 70 tuổi hoặc bị khuyết tật sẽ được miễn đóng góp hoàn toàn.
Tuy nhiên thực tế, chẳng hộ nào chịu nhận sự ưu ái đó. Trong khả năng có thể, các hộ kể trên đều thực hiện việc đóng góp, ít nhất là bằng một nửa so với bình quân.
Năm nay, xóm 8 còn một công việc quan trọng khác, đó là tu sửa và mở rộng tuyến đường ngõ xóm, dự kiến sẽ vận động người dân đóng góp thêm 100 nghìn đồng/khẩu. ấy vậy mà vừa mới đề xuất kế hoạch đó, người dân đã đồng loạt nhất trí, có hộ còn sẵn sàng đóng ngay, đồng thời thúc giục đồng chí trưởng xóm sớm định ngày khởi công. Quả đúng là "Khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Rời xóm 8 xã Lai Thành, theo tuyến đường TL481D, chúng tôi đến xóm 2 xã Ân Hòa. Nhà văn hóa xóm tại đây đã được xây dựng từ năm 2007 nên trong thời gian này, công việc chính mà nhân dân đang thực hiện là hoàn thiện các tuyến đường dong, ngõ xóm.
Ông Vũ Quang Túy, Trưởng xóm 2 cho biết: Tổng chiều dài các tuyến đường dong xóm dài khoảng 1 km, có độ rộng từ 3 - 4m. Để làm tuyến đường này, bà con nhân dân trong xóm đã đóng góp trung bình từ 1 - 2 triệu đồng/khẩu.
Khoản đóng góp lớn như vậy là do tuyến đường trước đây rất hẹp, thêm vào đó, hai bên đường thường có ao của các hộ gia đình. Vì vậy, khi thi công làm mới phải tiến hành kè đá 2 bên để đảm bảo không xảy ra tình trạng sạt lún đường sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Với chủ trương Nhà nước hỗ trợ xi măng, các hộ gia đình tự đóng góp tiền, ngày công lao động để làm đường, có đoạn dài khoảng 90m nhưng chỉ có 6 hộ dân sinh sống nên số tiền để làm đường đã "ngốn" gần 100 triệu đồng.
Trong 6 hộ đó, tuy có cả những hộ thuộc diện nghèo nhưng không phải vì thế mà đoạn đường bị bỏ dở. Ngoài các nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ, 6 hộ gia đình nêu trên vẫn thực hiện đóng góp đầy đủ, bởi họ coi đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm của mình. Thêm vào đó, họ tự hiểu rằng chính mình là người hưởng lợi nhiều nhất khi con đường được hoàn thành.
Ông Túy chia sẻ thêm: Khi làm đường, tôi vẫn nhớ những nụ cười hiền hậu không giấu nổi sự vui mừng của người dân, đặc biệt là các cụ già. Có cụ đã gần 90, hàm răng móm mém nói với tôi, chưa bao giờ cụ nghĩ rằng sẽ có con đường to, đẹp như thế này trước nhà, từ nay cháu cụ khi đi học không còn lo những ngày trời mưa nữa rồi.
Từ kết quả trên có thể khẳng định: Việc phát huy sức mạnh nội lực từ thôn, xóm là động lực quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới của các xã. Điều đó cũng cho thấy, xây dựng nông thôn mới tại Kim Sơn đã và đang đi đúng hướng, phát huy tối đa nguồn nội lực từ cơ sở.
Thái Học