Đồng chí Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết: Vụ đông xuân 2014 - 2015, toàn huyện gieo cấy hơn 8.337 ha, toàn bộ diện tích cấy trà xuân muộn, trong đó: Các HTX nông nghiệp gieo cấy trên 7.886 ha; Công ty TNHH MTV Bình Minh gieo cấy khoảng 450 ha. Trong đó, diện tích lúa lai là 1.976 ha, chiếm 23,7% diện tích, gồm các giống: Phú ưu, Nhị ưu, Thục hưng... Diện tích lúa thuần là 6.361 ha, chiếm 76,3% diện tích, gồm các giống lúa chất lượng cao, Nếp, Khang dân..., trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm 61,2% tổng diện tích. Trong những ngày nắng nóng nhất cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, vụ thu hoạch lúa đông xuân ở Kim Sơn đã bắt đầu được tiến hành. Khi nhiệt độ trung bình ngoài trời đạt mức trên 37 độ C, trên những cánh đồng vẫn rền vang tiếng máy gặt. Trong thời gian khoảng 1 tuần, Kim Sơn đã hoàn thành thu hoạch lúa. Đây chính là hiệu quả thực tế của việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Năng suất bình quân toàn huyện đạt 68 tạ/ha (tăng 2 tạ/ha so với vụ đông xuân 2013 - 2014), sản lượng đạt 56.693 tấn, trong đó: Giống lúa lai ước đạt 73,3 tạ/ha, sản lượng 14.483 tấn; giống lúa thuần ước đạt 66,4 tạ/ha, sản lượng 42.209 tấn.
Đồng chí Đỗ Hải Quang, kỹ sư chuyên ngành trồng trọt, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Thắng lợi của vụ đông xuân năm nay là do có sự chuẩn bị kỹ càng của huyện trước vụ sản xuất. Ngay sau khi hoàn thành thu hoạch vụ Mùa 2014, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các HTX vận động người dân chuẩn bị các khâu làm đất, cày bừa, chọn lúa giống... để chuẩn bị tiếp tục sản xuất. Đồng ruộng Kim Sơn được phù sa bồi đắp màu mỡ, giàu chất dinh dưỡng nên sản xuất nông nghiệp có nhiều lợi thế. Với yếu tố khách quan và chủ quan trên, khi bước vào vụ sản xuất đông xuân, cây mạ được sinh trưởng và phát triển trong điều kiện đất ruộng tốt. Thời gian gieo cấy được thực hiện trong khung thời vụ tốt nhất, cùng với đó, thời tiết vụ đông xuân năm nay khá thuận lợi nên giảm thiểu được thiệt hại không đáng có ở giai đoạn đầu vụ. Trong thời gian lúa sinh trưởng, tình hình sâu bệnh diễn ra cục bộ trên một số diện tích nhỏ. Ngay thời điểm đó, việc phun thuốc sâu phòng trừ đã được triển khai thực hiện kịp thời với 2 đợt phun nên không gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa.
Ngoài những nguyên nhân trên, cơ cấu giống lúa cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của vụ đông xuân 2015. Thay vì chú trọng đến năng suất lúa, huyện Kim Sơn chủ trương mở rộng diện tích lúa chất lượng cao. Với năng suất khá nhưng giá trị kinh tế cao hơn hẳn, các giống lúa chất lượng cao góp phần không nhỏ trong việc nâng cao giá trị sản xuất lúa. Chính vì vậy, nguồn lợi nhuận của người dân trong sản xuất lúa được tăng lên khá cao so với gieo cấy các giống lúa tạp giao. Ngoài ra, việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp đã giúp nông dân giảm sức lao động, chi phí và rút ngắn thời gian thu hoạch khi lúa chín, đảm bảo thành quả của vụ sản xuất.
Thái Học