Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng qua ba xã bãi ngang Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải, các cán bộ Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT) phấn khởi cho biết: Do nhận thức được tầm quan trọng của công tác cải tạo ao, đầm trong quá trình sinh trưởng, phát triển của con tôm nuôi nên năm nay, người dân đã đầu tư thời gian, kinh phí để cải tạo ao đầm nhiều hơn. Mức đầu tư cho cải tạo ao của bà con khá lớn, đối với diện tích nuôi bán thâm canh - thâm canh, chi phí cải tạo và mua bạt lót đáy hết 50 triệu đồng/ha, diện tích nuôi quảng canh cải tiến chừng 20 triệu đồng/ha và cải tạo diện tích nuôi xen chi phí 5-7 triệu đồng/ha.
Chúng tôi đến đầm tôm của anh Đinh Cao Quang (xóm 6, Kim Hải), một điển hình của việc nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Năm 2010 anh Quang nuôi 3 đầm tôm với diện tích 6 mẫu. Anh cho biết: Trước đây bà con nuôi mật độ dày là rất ít do sợ dịch bệnh, nhưng 2 năm vừa rồi anh đưa giống sạch về thả với mật độ 15-20 con rất thành công, trung bình 1,5 mẫu ao anh thu trên 1,7 tấn tôm thương phẩm, trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng. Theo anh Quang, phần đáy đầm rất quan trọng đối với việc nuôi tôm sú, do vậy đầm tôm trước khi tháo nước vào phải để ải ba, bốn tuần, rắc vôi bột nhằm tiêu diệt khuẩn có hại. Khâu chọn giống cũng rất quan trọng, giống tôm phải lấy ở các công ty có uy tín, đã qua kiểm dịch. Trong quá trình nuôi cần theo dõi, lấy mẫu nước kiểm tra định kỳ để xử lý đảm bảo môi trường luôn ổn định.
Được biết, xã Kim Hải có khoảng 500 hộ nuôi tôm, trong đó có khoảng 10 hộ bắt đầu áp dụng hình thức nuôi công nghiệp. Nhìn chung năm nay bà con đều làm tốt công tác chuẩn bị ao đầm, chú ý hơn đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Do điều kiện thời tiết thuận lợi nên đến thời điểm này, các gia đình đã cải tạo xong ao nuôi, tranh thủ thời tiết nắng ấm thả tôm đúng lịch thời vụ.
Rời xã Kim Hải, chúng tôi đến xã Kim Trung, nơi đây người dân cũng đang bận rộn với công tác cải tạo ao, đầm, nạo vét, tu sửa bờ ao, xử lý môi trường nước, chuẩn bị điều kiện để bước vào vụ nuôi tôm mới. Đồng chí Đinh Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Vụ nuôi tôm 2011, Kim Trung được mùa, nguyên nhân là người dân đã nâng cao nhận thức, chấp hành lịch thời vụ, đầu tư có trọng điểm, đi đôi với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm nên gặt hái thành công, tạo đà để bà con đầu tư cho vụ nuôi tôm năm nay. Theo kế hoạch, vụ tôm xuân-hè năm nay, xã Kim Trung đưa vào thả nuôi 277 ha, trong đó nuôi tôm công nghiệp là 15 ha. Trước khi vào vụ, UBND xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện và các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi tôm theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho hàng trăm lượt hộ nuôi tôm, hướng dẫn phương thức nuôi, phương pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh cho tôm, triển khai các văn bản pháp quy nhà nước về nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở lịch thả nuôi của Chi cục thủy sản tỉnh, xã cũng đã phổ biến cho bà con bắt đầu thả giống từ ngày 10-4. Đối với những diện tích nuôi theo phương thức bán thâm canh-thâm canh, mật độ thả tôm giống 15-20 con tôm sú/m2 hoặc 50-80 con tôm chân trắng/m2; diện tích nuôi quảng canh cải tiến mật độ nuôi 10 con tôm sú/m2 hoặc 20 con tôm chân trắng/m2; diện tích nuôi xen giảm mật độ xuống một nửa so với diện tích nuôi quảng canh cải tiến và áp dụng phương thức đánh tỉa, thả bù.
Huyện Kim Sơn hiện có diện tích nuôi tôm nước lợ là trên 1.000 ha, sản lượng đạt trên 4.000 tấn/năm. Nhiều năm qua nghề nuôi tôm nước lợ phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình kinh tế được nhân rộng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi tôm của một số doanh nghiệp, tổ chức và người dân chưa nghiêm. Một bộ phận chưa chấp hành nghiêm lịch thời vụ, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, con giống chưa được kiểm dịch trước khi thả nuôi, xử lý ao nuôi không đảm bảo yêu cầu, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, do đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi. Để khắc phục tình trạng trên, nhằm ổn định và phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng bền vững, năm 2012 UBND huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, giám sát diện tích nuôi thủy sản, hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt lịch thời vụ, tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ nuôi trồng thủy sản tại địa phương, củng cố và phát triển các tổ chức hợp tác nuôi trồng thủy sản (quản lý cộng đồng) nhằm từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển thủy sản bền vững tại địa phương.
Năm 2012, Kim Sơn có kế hoạch thả nuôi 1.937 ha thủy sản nước lợ, trong đó diện tích trong đê là 1.006 ha, diện tích ngoài đê là 931 ha. Theo thống kê, đến hết ngày 20-4, bà con trong huyện đã thả mới được 61,2 triệu con tôm sú và 6,5 triệu con tôm thẻ. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện đang chỉ đạo bà con cải tạo ao đầm theo đúng hướng dẫn kỹ thuật và tuân thủ lịch thời vụ thả tôm trong tháng 4. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo, căn cứ vào thời tiết cụ thể từng thời điểm, chỉ thả tôm khi độ mặn thích hợp, trời ấm nắng.
Bên cạnh đó, chi cục thú y tổ chức kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ chất lượng tôm giống. Các xã vùng triều tăng cường kiểm soát các đối tượng đưa tôm giống đến địa bàn và tuyên truyền cho chủ đầm chỉ mua tôm giống ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh có đầy đủ giấy chứng nhận đã được kiểm tra, kiểm dịch mới đưa vào nuôi đúng hướng dẫn kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hà Phương