Năm 2012, Kim Sơn nuôi thả 1.937 ha tôm, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 1.907 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 30 ha. Theo thống kê của ngành chức năng vụ đông xuân này bà con nông dân đã thả hơn 80 triệu con tôm sú và 21 triệu con tôm thẻ chân trắng. Đến nay, hầu hết các ao nuôi đã bước vào thời kỳ thu hoạch, không khí rộn ràng diễn ra trên khắp các cánh đồng tôm ở Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung.
Anh Hoàng Văn Lực (xóm 3, Kim Đông) cho biết: Hầu hết các hộ nuôi tôm ở đây không chần chừ như những năm trước mà ao nuôi đủ ngày đủ tháng là thu hoạch ngay. Thời tiết thất thường khiến môi trường ao nuôi dễ bị phân tầng, thay đổi độ pH làm tôm có thể chết hàng loạt. Nhiều ao nuôi phải sục khí suốt ngày đêm. Nếu để lại còn tốn thêm chi phí mà tôm cũng không phát triển thêm là bao, lại thêm nỗi lo dịch bệnh nữa. Tuy không bội thu như năm ngoái nhưng đa phần các ao nuôi đến thời điểm này đều có lãi. Anh Lực thả gần 15 vạn tôm thẻ chân trắng trong 1,5 mẫu đầm, sau gần 3 tháng chăm sóc, thu hoạch được trên 5 tạ tôm thương phẩm, lãi ròng khoảng 40 triệu đồng.
Trao đổi với ông Chủ nhiệm HTX thủy sản Kim Đông Lê Văn Bường, được biết: Hiện toàn HTX có 850 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản trên diện tích 339 ha. Sau nhiều năm người dân lâm vào vòng luẩn quẩn được - mất với con tôm thì vụ tôm năm nay họ đã chỉnh chu hơn trong việc tuân thủ kỹ thuật nuôi thả từ cải tạo ao đầm đến mật độ thả và kỹ thuật chăm sóc. Đặc biệt, đã có gần 20 hộ đầu tư nuôi tôm theo hình thức công nghiệp. Tuy nhiên, năm nay người nông dân gặp nhiều bất lợi do thời tiết và giá cả. Do vậy, một số hộ đã tranh thủ thu hoạch sớm mặc dù hiện tại tôm không được giá.
Theo phản ánh của nhiều nông dân, năm nay chi phí nuôi tôm tăng cao (thức ăn, con giống, chế phẩm sinh học, công lao động). Trong khi đó giá tôm thương phẩm ở mức khá thấp, tôm thẻ chân trắng loại 90 con/kg giảm từ 110 nghìn đồng/kg xuống còn 80 nghìn đồng/kg; loại 70 con/kg giảm từ 140 nghìn đồng/kg xuống còn 110 nghìn đồng/kg; loại 50 con/kg giá chỉ còn 140 nghìn đồng/kg. So với năm ngoái, 1 tấn tôm người nuôi bị thiệt hại trên dưới 10 triệu đồng.
Đồng chí Tạ Văn Giáp, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản cho biết: Năm nay công tác cải tạo ao đầm được người dân quan tâm và làm tốt hơn mọi năm, ao đầm được nạo vét, tu sửa, bón vôi cải tạo đúng theo tiêu chuẩn và liều lượng quy định. Đa phần bà con đều tuân thủ đúng lịch thả giống. Chất lượng con giống được đánh giá ở mức trung bình. Tuy nhiên thời tiết diễn biến thất thường, đầu vụ nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của con tôm. Đặc biệt những ngày gần đây trời liên tục có mưa lớn, làm thay đổi môi trường nước. Trong khi đó 4 tháng đầu năm, tình hình tôm nuôi chết hàng loạt tại nhiều địa phương diễn ra theo chiều hướng phức tạp và có dấu hiệu lây lan ra diện rộng. Hiện tại một số vùng nuôi tôm ở Thanh Hóa cũng đã có hiện tượng tôm chết chưa rõ nguyên nhân..., vùng nuôi tôm đối mặt với nguy cơ dịch bệnh có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Trước tình hình này, Chi cục đã cử cán bộ kỹ thuật xuống bám vùng trực tiếp tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm xử lý môi trường, phòng trừ dịch bệnh, đồng thời khuyến cáo bà con tập trung thu hoạch sớm khi tôm vừa đến tuổi thu hoạch.
Hà Phương