Đồng chí Hoàng Đông Anh, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Kim Sơn cho biết: Vụ mùa năm nay, huyện gieo cấy 7.600 ha với cơ cấu mùa sớm 10 - 15% diện tích; mùa trung 65 - 70% diện tích; mùa muộn 20 - 25% diện tích. Cơ cấu giống và phương thức gieo cấy năm nay đã có nhiều đổi mới. Lúa đặc sản chiếm từ 20 - 25% bao gồm các giống lúa Nếp, Tám, Dự. Đến thời điểm này lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, trà lúa mùa sớm đang trong giai đoạn đòng già đến trỗ bông, trà mùa trung trong giai đoạn làm đòng và trà mùa muộn đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra của trạm Bảo vệ thực vật huyện ở các xã cho thấy, trên đồng ruộng xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại như: Rầy nâu, sâu đục thân lúa hai chấm, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn lá, bệnh bạc lá đốm sọc, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ đang gây hại trên diện rộng. Diện tích lúa cần phun trừ của huyện trong đợt này là 7.600 ha, nếu không phun trừ kịp thời sẽ làm sơ trắng lá đòng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa cuối vụ. Quy mô và mức độ gây hại của sâu cuốn lá nhỏ năm nay tương đương với vụ mùa năm 2007.
Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện và Trạm bảo vệ thực vật đề nghị và chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp tập trung thực hiện tốt việc phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc lúa mùa. Yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo đủ nước dưỡng lúa, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa làm đòng, trỗ bông và phục vụ công tác phòng trừ sâu bệnh. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa trỗ, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng. Cán bộ khuyến nông, tổ BVTV kiểm tra đồng ruộng và hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ hiệu quả, tránh phun tràn lan, lãng phí gây ô nhiễm môi trường. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, phun trừ toàn bộ diện tích lúa trong huyện. Thời gian phun trừ từ 13 đến 16-9. Đối với những diện tích có mật độ sâu cuốn lá lớn hơn 200 con/m2 thì phải xử lý kép. Phun lần 2 sau lần 1 từ 5 - 7 ngày bằng một trong các loại thuốc sau: Tango 800 WG, Rambo 800 WG, Dogent 800 WG, Regent 800 WG, Rigell 800 WG hoặc các loại thuốc sinh học SinSau 4.5EC, Catex 1.8EC, Arimix 3.6EC... Đối với những vùng nuôi tôm cua chỉ được phép dùng các loại thuốc sinh học. Ngoài sâu cuốn lá nhỏ, trên đồng ruộng xuất hiện một số loại sâu bệnh khác như rầy nâu, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá sọc vi khuẩn, sâu đục thân hai chấm. Những thửa ruộng bị nhiễm những sâu bệnh trên cần kết hợp phun trừ cùng với trừ sâu cuốn lá nhỏ.
Xác định tháng 9 là tháng cao điểm của các đối tượng dịch hại, do vậy khi phát hiện có sâu bệnh, huyện đã kịp thời chỉ đạo họp cán bộ chủ chốt các HTX, liên tục kiểm tra diễn biến tình hình sâu bệnh để phun trừ. Tại HTX Đồng Hướng, đồng chí Nguyễn Văn Ái - Chủ nhiệm HTX cho biết: Vụ mùa năm nay, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, mật độ sâu cuốn lá nhỏ rất lớn nếu không phun trừ kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình làm đòng và năng suất cuối vụ. Qua kiểm tra trên đồng ruộng ở các đội sản xuất cho thấy, toàn bộ diện tích lúa đều bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ với mật độ cao. HTX đã chỉ đạo và tuyên truyền bà con nông dân tập trung phun trừ sâu cuốn lá nhỏ theo lịch của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện. Giao trực tiếp cho các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình sử dụng, cách pha chế thuốc cho bà con nông dân. Đồng thời tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh của HTX, đôn đốc bà con nông dân tự kiểm tra sâu bệnh trên những thửa ruộng của mình.
Bài, ảnh: Hương Giang