Mô hình "một cửa" của Kim Sơn được triển khai và đi vào hoạt động từ tháng 3/2004 không chỉ rút ngắn thời gian, quy định đơn giản, nhanh chóng việc giải quyết công việc thuộc 5 lĩnh vực: cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cá thể, chuyển đổi, chuyển nhượng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, chứng thực, xác nhận đối tượng chính sách xã hội mà đến năm 2006 còn bổ sung thêm 2 lĩnh vực mới vào thực hiện mô hình "một cửa" là đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất và thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng và quyết toán vốn đầu tư. Sau gần 4 năm, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoạt động của huyện đã cơ bản giải quyết nhanh chóng, thuận tiện các công việc của tổ chức và cá nhân.
Bên cạnh đó, Huyện ủy, UBND huyện cũng chỉ đạo 27 xã, thị trấn triển khai thực hiện mô hình "một cửa' để đảm bảo các thủ tục hành chính ở cơ sở diễn ra thuận lợi, nhịp nhàng. Với đặc thù là chính quyền cấp cơ sở phải giải quyết các công việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, chứng thực… một cách thường xuyên, các xã, thị trấn trong huyện đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, phân công nhiệm vụ cho công chức phụ trách từng lĩnh vực thực hiện "một cửa", niêm yết công khai các quy định, biểu mẫu, phí, lệ phí để tổ chức, công dân nắm bắt và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác cải cách thủ tục hành chính. Do đó, cùng với mô hình "một cửa" cấp huyện, bộ phận "một cửa" cấp xã đã phát huy hiệu quả trong việc giải quyết nhanh chóng, thuận tiện nhu cầu của tổ chức, công dân, góp phần thu hút đầu tư trên địa bàn và thúc đẩy kinh tế- xã hội tại địa phương.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận "một cửa", đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cải cách hành chính và nhằm mục đích khắc phục một số hạn chế từ mô hình "một cửa" thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện xác định việc đầu tư để hình thành mô hình "một cửa liên thông" hiện đại là hết sức quan trọng và cần thiết để hướng tới xây dựng và hoàn thiện môi trường giải quyết thủ tục hành chính một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Trên cơ sở Nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng đề án, xin ý kiến UBND tỉnh triển khai thực hiện mô hình. Sau khi đề án được UBND tỉnh, Sở Nội vụ xem xét, thẩm định và phê duyệt, huyện Kim Sơn đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai các nội dung của đề án như: làm việc với đơn vị cung cấp phần mềm, thành lập ban đầu tư xây dựng mô hình "một cửa liên thông", triển khai việc đầu tư xây dựng hệ thống mạng Lan nội bộ cơ quan UBND huyện để kết nối việc điều hành, trao đổi giấy tờ, công việc giữa các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức…
Bước đầu huyện Kim Sơn đã đầu tư 300- 400 triệu đồng để triển khai các nội dung công việc nêu trên. Theo đề án, tổng kinh phí thực hiện là 1.230 triệu đồng. Trong đó, kinh phí cho đầu tư cải tạo phòng làm việc, mua sắm trang, thiết bị là 800 triệu đồng, đầu tư hệ thống phần mềm là 280 triệu đồng và đào tạo, bồi dưỡng là 150 triệu đồng. Ngoài phần ngân sách của huyện, Kim Sơn hy vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ từ cơ quan hợp tác và phát triển Nauy, UBND tỉnh…
Theo đề án được xây dựng, mô hình "một cửa liên thông" thuộc UBND huyện Kim Sơn sẽ "tiếp quản" mô hình "một cửa" cũ để đầu tư, cải tạo, nâng cấp khu vực làm việc trên diện tích 120 m2, với các quầy giao dịch, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc giải quyết công việc như: hệ thống xếp hàng tự động, hệ thống camera giám sát, hệ thống mã vạch, màn hình cảm ứng… và quan trọng nhất là tất cả các lĩnh vực công việc được đưa vào thực hiện tại mô hình "một cửa liên thông" tiếp tục được cải tiến, rút gọn thời gian, thủ tục hơn so với mô hình "một cửa".
Hy vọng rằng, với quyết tâm và nỗ lực, tinh thần xung phong triển khai mô hình mới, "một cửa liên thông" huyện Kim Sơn sẽ nhanh chóng trở thành địa chỉ quen thuộc cho việc giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, công dân trong huyện.
Bùi Diệu