Trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện Kim Sơn đạt 202,7 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó giá trị xuất khẩu đạt 3,5 triệu USD, chủ yếu là các sản phẩm từ chế biến cói và chế biến hạt điều.
Một số doanh nghiệp có doanh thu khá như: Xí nghiệp tư doanh chiếu cói Quang Minh đạt 13,5 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 400 triệu đồng; Xí nghiệp tư doanh thủ công mỹ nghệ Đổi Mới đạt 8 tỷ đồng (trong đó xuất khẩu trực tiếp 7 tỷ đồng); Xí nghiệp tư nhân cói Năng Động đạt 8 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 250 triệu đồng...
Trong những tháng đầu năm 2008 sản xuất CN - TTCN của huyện Kim Sơn có những thuận lợi cơ bản và đã có những điểm mới. Nhà máy chế biến hạt điều của Công ty cổ phần đầu tư XNK Ninh Bình đã đi vào hoạt động và bước đầu có doanh thu từ xuất khẩu trực tiếp đạt trên 3 triệu USD. Thu hút và giải quyết việc làm cho gần 1.000 công nhân. Sản xuất vật liệu xây dựng Nhà máy gạch Kim Chính (thuộc Công ty cổ phần Gạch ngói Sông Chanh), 7 tháng đầu năm có doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động. Nhà máy gạch Yên Lộc mới hoạt động từ quý II nhưng có sản phẩm chất lượng khá đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp đang khảo sát và xây dựng các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp sửa chữa và đóng mới tàu thủy trên địa bàn huyện, từng bước phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Hiện nay Kim Sơn có những thuận lợi như: Tình hình sản xuất CN - TTCN có tăng trưởng khá, một số doanh nghiệp đã vươn lên, một số mặt hàng TTCN được làm từ bèo tây, bẹ ngô, bẹ chuối đã tìm được chỗ đứng, nhưng khó khăn nhất của huyện hiện nay là tìm đầu ra cho cây cói. Một số chủng loại hàng làm từ cói giảm; trong khi đó hoạt động của các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ cói có tỷ trọng lớn (chiếm từ 70 - 80%) giá trị sản xuất, giải quyết việc làm cho 1.000 lao động thường xuyên (thu nhập 600 - 700 nghìn đồng/tháng) và 20 - 25 nghìn lao động thời vụ (thu nhập 400 - 450 nghìn đồng/tháng) đang gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu hàng cói ngày càng giảm, các doanh nghiệp sản xuất không chịu thay đổi kiểu dáng, mẫu mã. Đồng thời các doanh nghiệp ít nâng cao năng lực cạnh tranh, không đầu tư công nghệ mới và chưa có một thương hiệu ổn định trên thị trường thế giới. Do vậy đòi hỏi các doanh nghiệp phải năng động thay đổi cách nghĩ, cách làm thì mới gìn giữ và phát huy được nghề truyền thống.
Trước tình hình sản xuất CN - TTCN , đặc biệt là nghề cói đang gặp khó khăn, Huyện ủy và UBND huyện đã tìm hướng tháo gỡ. Trước hết tập trung hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất cói nguyên liệu, chủ yếu là ở Công ty nông nghiệp Bình Minh. Giữ vững và củng cố những diện tích cói hiện có để tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến cói.
Tập trung vào cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất nguyên liệu cói. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy ngành chế biến cói phát triển. Tạo mọi điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào CN - TTCN trên địa bàn, kêu gọi các nhà đầu tư ký kết hợp đồng với người trồng cói. Xây dựng cơ chế liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông, có như vậy nghề truyền thống mới phát triển.
Các doanh nghiệp cần phát huy nội lực kết hợp với sự trợ giúp của Nhà nước trong công tác xúc tiến thương mại và tham dự hội chợ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp.
Thúc đẩy hơn nữa công tác quảng bá sản phẩm thông qua các kênh như Internet (đã có 2 doanh nghiệp là Xí nghiệp tư doanh thủ công mỹ nghệ Đổi Mới và Xí nghiệp Quỳnh Vân lập trang Web quảng bá riêng)… Cần xây dựng những tiêu chí cụ thể để công nhận nghệ nhân và có chính sách đối với các nghệ nhân có những sáng kiến mới trong việc sáng tạo kiểu dáng, mẫu mã,… để ngày càng đa dạng hóa sản phẩm TTCN trên địa bàn.
Hương Giang