Theo đó, huyện xác định: Vụ mùa là vụ sản xuất mà thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp với mưa, bão, úng lụt… thường xuyên xảy ra gây khó khăn lớn cho sản xuất, nhất là ở lĩnh vực gieo cấy lúa. Trên địa bàn huyện, việc tiêu thoát nước chủ yếu nhờ thủy triều, theo phương thức tự chảy nên tính chủ động không cao. Thời vụ gieo cấy lúa mùa lại rất khẩn trương, nhất là ở vùng được quy hoạch bố trí trồng cây vụ đông… Do đó, trong vụ mùa này, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả cũng như tăng thu nhập cho người nông dân; tiếp thu và ứng dụng nhanh các tiến bộ KHKT vào sản xuất; tập trung thâm canh lúa cao sản, lúa chất lượng cao theo kế hoạch… Huyện phấn đấu gieo cấy trên 8.200 ha lúa mùa.Đến ngày 3-7, toàn huyện đã bừa ngả đợt 1 được 100% diện tích kế hoạch, bừa đợt 2 được khoảng 20% và cấy được 10% diện tích kế hoạch. Vụ mùa năm nay, huyện bố trí 100%diện tích gieo cấy trà mùa trung với cơ cấu giống là: giống lúa lai (Phú ưu 1, Phú ưu 4, Phú ưu 978, Đại dương 1, Thục hưng 6…) chiếm 30% diện tích, còn lại là các giống lúa thuần chất lượng cao (Bắc thơm số 7, LT2, Tám thơm, Dự,các giống lúa nếp…). Với đặc thù của vụ mùa là đầu vụ thường gặp mưa, bão dễ xảy ra tình trạng ngập úng nên huyện yêu cầu các địa phương chuẩn bị giống dự phòng bằng 10% diện tích gieo cấy trong vụ bằng các giống lúa ngắn ngày. Để đảm bảo tiến độ khâu làm đất, ngay từ khi còn đang thu hoạch lúa đông xuân, huyện đã chỉ đạo các địa phương thu hoạch nhanh gọn và thực hiện phương châm "Xanh nhà hơn già đồng", "gặt đến đâu làm đất ngay đến đó"; đất phải được cày sâu, bừa kỹ, tơi nhuyễn và phẳng; chủ động giữ nước và lấy nước kịp thời phục vụ cho khâu làm đất và gieo cấy lúa mùa. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện làm đất hiện có trên địa bàn xuống đồng, tranh thủ thời gian cày bừa ở những khu ruộng đã thu hoạch xong lúa đông xuân.
Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV… phối hợp với các HTX nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, phòng trừ sâu bệnh; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn kịp thời nông dân chăm sóc và bảo vệ lúa, hoa màu. Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với các HTX nông nghiệp xây dựng kế hoạch điều tiết nước phù hợp với từng vùng và có phương án PCLB cụ thể đảm bảo cho lúa có đủ nước để sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Các HTX nông nghiệp chủ động trong khâu làm đất, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho sản xuất: Giống, phân bón, thuốc BVTV, làm thủy lợi nội đồng…
Hiện nay, mỗi HTX nông nghiệp trong huyện thường có từ 15-20 máy làm đất loại nhỏ của tư nhân. Các HTX nông nghiệp đã hợp đồng cụ thể với các chủ máy và đang đồng loạt xuống đồng làm đất vụ mùa. Với lực lượng, phương tiện như vậy, cùng với tinh thần chỉ đạo khẩn trương, kịp thời, các chủ máy làm đất đang tranh thủ ngày, đêm thực hiện kế hoạch được giao. Bình quân mỗi ngày toàn huyện gieo cấy được khoảng từ 10-15% tổng diện tích kế hoạch và với tốc độ như vậy thì toàn huyện phấn đấu cấy xong trước ngày 10-7 nhằm đảm bảo cho lúa mùa sinh trưởng, phát triển trong khung thời vụ tốt nhất.
Kim Sơn là huyện vùng ven biển, là vùng sản xuất lúa lớn nhất tỉnh. Do ảnh hưởng của tiểu vùng khí hậu nên thời gian kết thúc vụ đông xuân ở huyện Kim Sơn thường chậm hơn các huyện phía Bắc tỉnh từ 5-7 ngày. Nhưng với sự chỉ đạo tập trung của huyện cùng sự khẩn trương, kịp thời của các ngành, đơn vị; sự cần cù, chịu khó của người nông dân..., tin rằng Kim Sơn sẽ về đích sớm trong khâu gieo cấy lúa mùa, phấn đấu giành vụ mùa bội thu.
Đinh Chúc