Vừa qua do mưa nhiều và độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh gây hại trên đồng ruộng. Trong đó, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đang gây hại cục bộ trên các trà lúa, sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 đang ra rộ với mật độ trung bình 2,2 con/m2 và sâu non nở rộ đến 27/9 gây hại rộng trên tất cả các trà lúa của các HTX trong huyện. Nếu các đơn vị không phát hiện và phun trừ kịp thời sẽ có nhiều diện tích bị hại nặng, làm sơ, trắng lá đòng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa.
Bên cạnh đó, rầy nâu, rầy lưng trắng đang gây hại cục bộ trên các trà lúa với mật độ trung bình 220 con/m2, có những ổ từ 1.500 - 2.000 con/m2, xuất hiện nhiều ở các xã: Kim Tân, Hùng Tiến, Định Hóa… Rầy cám lứa 7 sẽ nở rộ từ 23 - 30/9, có ổ hàng vạn con/m2, nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây đỏ úa, cháy ổ. Do ảnh hưởng của đợt mưa từ ngày 10 đến 14-9 đã phát sinh bệnh bạc lá, gây hại trên các giống Nhị ưu 838, Bắc thơm số 7...
Ngoài các loại sâu bệnh trên, trong thời gian tới trên đồng ruộng huyện Kim Sơn sẽ xuất hiện bệnh lùn sọc đen, tiếp tục gây hại đến khi lúa trỗ; sâu cắn gié, sâu keo gây hại cục bộ; sâu đục thân, bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên trà mùa muộn.
Trước tình hình sâu bệnh có khả năng gây hại nặng trên diện rộng, huyện Kim Sơn đã chỉ đạo các xã, các HTX nông nghiệp tập trung thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc lúa. Công ty Khai thác Công trình thủy lợi, các HTX nông nghiệp tổ chức điều tiết nước hợp lý, tạo điều kiện cho cây lúa làm đòng, trỗ bông.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã kết hợp với các hợp tác xã xuống địa bàn kiểm tra đồng ruộng và hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ hiệu quả, tránh phun tràn lan, lãng phí gây ô nhiễm môi trường.
Phát động toàn dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa trỗ, theo dõi chặt chẽ diễn biễn thời tiết, diễn biến đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới "ngưỡng". Đối với sâu cuốn lá nhỏ sẽ phun trừ toàn bộ diện tích lúa trỗ sau 20-9 khi sâu non ở tuổi 1 và 2 nở rộ. Phun trừ kịp thời trên những ruộng có mật độ rầy trên 2.000 con/m2. Kết hợp phun phòng bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Đỗ Giang