Chúng tôi đến thăm mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây đinh lăng, nuôi cá và xen canh một số rau, màu ngắn ngày của gia đình anh Trần Việt Phú, ở xã Thượng Kiệm. Đây là một trong những mô hình sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao của huyện Kim Sơn. ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là mô hình được bố trí khoa học, từ bờ ao, đường đi đều được kiên cố hóa, các cây trồng xanh tốt. Anh Trần Việt Phú phấn khởi cho chúng tôi biết: Trước đây toàn bộ diện tích này đều là đất 5% của xã, trồng lúa kém hiệu quả. Năm 2012 gia đình anh đề nghị xã cho thuê hơn 3ha để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hộ. Anh đã mạnh dạn đầu tư vốn, thuê máy móc cải tạo đất trồng cây đinh lăng, rau màu các loại và đào ao thả cá.
Hiện nay, gia đình anh có 2ha trồng cây đinh lăng (tương đương trên 5 vạn cây), 1 ha ao cá với các con nuôi có giá trị như: cá trắm cỏ, cá chép, cá đối mục, tôm thẻ. Đối với cây đinh lăng là loại cây dễ trồng, phù hợp với vùng đất cao ráo hoặc dễ thoát nước và trồng 3 năm cho thu hoạch. Toàn bộ sản phẩn từ lá, cành, thân và rễ cây đều được khách hàng đến tận nơi thu mua với giá cả ổn định. Mỗi năm gia đình anh cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn đinh lăng, trừ chi phí thu lãi trên 700 triệu đồng.
Ngoài ra, mỗi năm anh còn xuất bán ra thị trường 1 tấn cá các loại và 1 tấn tôm, lãi 150 triệu đồng. Như vậy từ mô hình chuyển đổi sản xuất, gia đình anh Phú có thu nhập trên 850 triệu đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho 4-5 lao động với mức thu nhập từ 120 - 200 nghìn đồng/người/ngày.
Được đi tham quan các mô hình chuyển đổi hiệu quả do xã tổ chức và được hỗ trợ giống cây trồng, tiền thuê máy để đào ao, đắp luống, gia đình ông Trần Văn Hướng, ở xã Đồng Hướng đã mạnh dạn thuê gần 4ha đất trũng để cải tạo trồng đinh lăng, chuối tiêu hồng và xây dựng chuồng trại nuôi lợn.
Ông Trần Văn Hướng cho biết: Cách đây 2 năm gia đình ông chỉ đơn thuần cấy lúa, trồng rau, cuộc sống rất khó khăn. Qua tìm hiểu sách, báo, đài và ti vi, ông thấy rằng các mô hình chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản đều cho hiệu quả kinh tế cao. Trong khi tiềm năng đất đai để xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa ở nơi đây rất lớn. Đầu năm 2017, ông mạnh dạn đấu thầu 4ha đất sâu trũng, thùng đào, thùng đấu của xã Đồng Hướng để đào ao thả cá, nuôi lợn, trồng cây đinh lăng.
Hiện nay, gia đình ông đang nuôi 450 con lợn thương phẩm, trồng 1ha đinh lăng, 1ha ao cá, hàng nghìn gốc chuối goòng và nhiều diện tích trồng rau màu. Sau hơn 1 năm đầu tư xây dựng mô hình, gia đình ông đã xuất ra thị trường 100 tấn thịt lợn hơi, vài trăm buồng chuối và vài chục tấn cá. Dự kiến cây đinh lăng hơn 1 năm nữa sẽ cho thu hoạch, ước thu nhập mỗi năm có thể đạt vài trăm triệu. Từ khi chuyển sang mô hình sản xuất tổng hợp, thu nhập đã tăng lên rất nhiều lần, tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình.
Theo ông Đỗ Hải Quang, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn, cùng với mô hình của gia đình anh Trần Việt Phú và ông Trần Văn Hướng, trên địa bàn huyện Kim Sơn hiện có nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng cây ăn quả và mô hình sản xuất rau hàng hóa ở xã Thượng Kiệm; mô hình nuôi lợn siêu nạc ở Như Hòa. Với điều kiện thuận lợi như quỹ đất rộng, huyện Kim Sơn đã có chủ trương chuyển đổi sản xuất, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp để trồng những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như thanh long ruột đỏ, ổi, táo, mít thái, chuối…
Đồng thời khuyến khích chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hay mô hình sản xuất tổng hợp để phá thế độc canh cây lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kim Sơn đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất. Điển hình như UBND huyện đã ban hành kế hoạch số 88/KH-UBND để thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-BCH về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo đó: Ngân sách huyện hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho vùng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm kết hợp với nuôi trồng thủy sản 10 triệu đồng/ha với quy mô từ 10 ha trở lên, nhưng không quá 200 triệu đồng/1 vùng chuyển đổi; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho vùng chăn nuôi tập trung 100 triệu đồng/1 khu có quy mô từ 5 ha trở lên…
Trong 2 năm, 2017 và 2018 mỗi năm UBND huyện dành 890 triệu đồng để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Cơ chế, chính sách phù hợp đã khuyến khích và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.
Theo rà soát, thống kê sơ bộ của các xã, hiện nay trên địa bàn huyện có hàng trăm mô hình sản xuất có hiệu quả, trong đó có nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất từ đất lúa, đất sâu trũng, đất ven đê sang nuôi trồng các cây, con có giá trị kinh tế cao. Toàn huyện hiện có 12 trang trại được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận. Thành công từ những mô hình chuyển đổi sản xuất đã tạo nguồn thu ổn định cho người nông dân, giúp họ có cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn và từng bước thực hiện ước mơ làm giàu chính đáng trên quê hương.
Giáng Hương