Giống lúa mùa sớm, mùa trung được cấy bằng mạ nền gồm các giống: Kim ưu 725, Nhị ưu 838, Bắc ưu 903, Bắc ưu 253, HYT 83, HYT 92 và một số giống thuần như các dòng lúa ải, HT1, LT2, TL6, Nếp 87, Nếp 88.
Đến thời điểm này, lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, trà mùa sớm và mùa trung lúa đang đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra đồng ruộng cho thấy xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại cho lúa.
Theo ông Hoàng Đông Anh, Trạm trưởng Trạm BVTV Kim Sơn, cuối tháng 7, xuất hiện các đối tượng chính là: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, và rầy các loại. Phòng và trạm đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con biện pháp phòng trừ.
Định hướng của phòng NN&PTNT huyện và trạm là xử lý cục bộ. Đối với những diện tích mùa trung và mùa muộn xử lý những diện tích có mật độ sâu non lớn hơn 50 con/m2; trà mùa sớm (những diện tích đứng cái làm đòng xử lý) với mật độ từ 20 con/m2 trở lên. Ước tính diện tích phải phun phòng trừ lứa 5 của Kim Sơn khoảng 1.500 - 2.000 ha. Đối tượng gây hại thứ hai là rầy nâu lứa 5 nở rộ từ ngày 18-30/8, mật độ trung bình 250 - 300 con/m2, nơi cao 700-1.000 con/m2, ổ 4000-5000 con/m2 nếu không phát hiện kịp thời các ổ rầy sẽ gây đỏ lúa ở trà mùa sớm.
Hướng phòng, chống là: chỉ đạo bà con xử lý những diện tích có mật độ từ 2.000 con/m2 trở lên kết hợp phun trừ với sâu cuốn lá nhỏ. Bệnh đốm sọc vi khuẩn phát sinh và gây hại từ ngày 10/8 trở đi, đặc biệt những diện tích bón đạm muộn bón thừa đạm. Phát sinh và lây lan nhanh sau các đợt mưa giông. Diện tích nào bị nhiễm bệnh chỉ đạo bà con phun trừ và không xử lý tràn lan.
Ngoài ra còn phải chú ý đến bệnh khô vằn phát sinh và gây hại từ ngày 10/8 trở đi, cao điểm gây hại từ ngày 25/8 đến đầu tháng 9, đặc biệt trên diện tích mùa sớm, trên những diện tích bón nhiều đạm, cấy nhiều dảnh/khóm, tỷ lệ bệnh trung bình 1,5%, nơi cao 7-10%; bệnh đạo ôn lá phát sinh và gây hại từ 15/8 chủ yếu trên giống nếp, dự, tỷ lệ bệnh trung bình 1%, nơi cao 3-5%, cá biệt trên 10% số lá bị bệnh.
Ngoài các đối tượng sâu bệnh truyền thống phá hoại nghiêm trọng mùa màng, thì gần đây ốc bươu vàng đang là đối tượng phá hại lúa cần được quan tâm phòng trừ. Để bảo vệ lúa mùa, hạn chế đến mức thấp nhất thất thiệt hại do ốc bưu vàng gây ra, ngay từ đầu vụ Phòng NN&PTNT hướng dẫn các HTX NN, hộ nông dân một số biện pháp kỹ thuật như: Thu gom ốc và ổ trứng trên đồng ruộng, xung quanh các ao hồ, kênh rạch từ đầu vụ; đào rãnh cho ốc trú ẩn để gom ốc; dùng lưới chắn ốc (dùng lưới nilon có lỗ nhỏ che chắn kỹ những chỗ đường nước chảy tự nhiên từ ngoài kênh vào ruộng); giữ mực nước phù hợp để hạn chế bớt sự di chuyển của ốc sang nơi khác; thu gom ốc và trứng ốc thường xuyên trong quá trình chăm sóc lúa; cắm cọc nhử ốc đến đẻ trứng thu hủy.
Hương Giang