Ông Phan Khuê Vương, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Qua kiểm tra thực tế, diện tích lúa mùa trà chính vụ đang kết thúc giai đoạn đẻ nhánh, bước vào thời kỳ đứng cái, phân hóa đòng. Đây là thời điểm quan trọng và cần thiết cho việc chăm sóc, bón phân đón đòng trên cây lúa, bởi bón vào thời điểm này sẽ đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng ngay từ ban đầu cho cả dảnh cái và dảnh con trong quá trình phân hóa đòng và nuôi đòng. Hơn nữa, bón thúc đón đòng quyết định phần lớn năng suất của lúa, vì đây là thời kỳ quyết định số hạt/bông.
Để bảo đảm cho vụ mùa bội thu, Trạm đã tham mưu với chính quyền các địa phương hướng dẫn bà con nông dân tập trung làm cỏ cho lúa, giữ mực nước vừa đủ, ổn định trên chân ruộng; thực hiện bón phân để đón đòng với lượng 2 - 3 kg kali và khoảng 0,5 - 1 kg urê/sào, nếu lúa sinh trưởng và phát triển kém bà con cần bón thêm khoảng 0,5 - 1 kg đạm. Ngoài bón phân, bà con chú ý làm sạch cỏ bờ để hạn chế sâu hại trú ngụ và gây hại khi lúa trỗ đòng. Ông Vương cho biết thêm, bón phân giai đoạn này cần bón phân cân đối và đủ lượng, tuyệt đối không bón thừa đạm, tạo điều kiện cho sâu bệnh hại phát sinh gây hại. Giai đoạn này cây lúa đạt tối đa kích thước về thân, lá, rễ khả năng phát triển kém. Vì vậy, nếu bị sâu bệnh hại tấn công thì cây lúa sẽ không phục hồi bù đắp những thân lá do sâu bệnh gây ra như các giai đoạn trước đó, trong khi giai đoạn này cây lúa rất dễ mẫn cảm với sâu bệnh hại nên bà con phải hết sức đề phòng, đặc biệt là phải bảo vệ tốt lá đòng.
Bà Đinh Thị Xuân, xóm 3, xã Đồng Hướng cho biết, 6 sào lúa nếp hạt cau của gia đình đang trong thời kỳ đứng cái, dự tính lúa sẽ bật đòng vào cuối tháng 8. Để cung cấp dưỡng chất cho cây lúa trong quá trình làm, nuôi đòng, bà đã bón kết hợp vừa đủ 3 loại phân gồm đạm, lân và kali. Theo bà Xuân, bón phân kết hợp lúa sẽ chắc bông, cây khỏe, ít đổ rạp khi gặp phải những trận mưa kèm theo gió lớn, nhất là đang trong mùa mưa bão như hiện nay.
Thời kỳ lúa làm đòng rất mẫn cảm trong khi thời tiết đang chuyển mùa, mưa nắng thất thường sẽ tạo điều kiện cho sâu, bệnh hại như: Đốm sọc vi khuẩn, bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu… Riêng đối với bệnh đạo ôn, đây là bệnh nguy hiểm nhất cho cây lúa trong thời kỳ này, nếu không thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ bệnh sẽ lây lan nhanh ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng lúa. Do đó, bà con nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện biểu hiện của sâu bệnh.
Chị Nguyễn Thị Yến, xóm 6 xã Yên Lộc cho biết: Vụ mùa này, gia đình tôi gieo cấy 8 sào ruộng bằng giống lúa Bắc Thơm số 7. Diện tích lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng nên tôi thường xuyên thăm đồng, bảo đảm đủ nước, đủ phân cũng như phòng trừ sâu, bệnh hại lúa. Để hạn chế thấp nhất mức độ gây hại của sâu, bệnh và mưa bão, huyện Kim Sơn đã chỉ đạo các xã, HTX nông nghiệp thông qua hệ thống loa truyền thanh ba cấp thường xuyên tuyên truyền về tác hại và các biện pháp, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh; chỉ đạo cán bộ bám sát cơ sở, thường xuyên thăm đồng, phát hiện kịp thời sâu, bệnh, có biện pháp chỉ đạo nông dân tiến hành phun thuốc khi có sâu, bệnh phát sinh để kịp thời khống chế, không để lây lan ra diện rộng; khuyến cáo nông dân không dùng điện, sử dụng thuốc không đúng danh mục để đánh bắt chuột, ốc bươu vàng. Thời gian qua, thời tiết khá thuận lợi cho lúa sinh trưởng, tuy nhiên trên tinh thần luôn cảnh giác, chủ động, huyện Kim Sơn chú trọng chỉ đạo nhân dân tăng cường thăm đồng, theo dõi sát sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa và các đối tượng dịch hại để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, nhất là các đối tượng hại nguy hiểm như bệnh đạo ôn, sâu đục thân, rầy nâu… Phương châm chỉ đạo của huyện và quyết tâm của nông dân khi xảy ra sâu bệnh là kịp thời phòng trừ, kiên quyết không để phát sinh diện tích mới. Cùng với phòng chống sâu, bệnh hại, huyện Kim Sơn cũng vận động nhân dân tập trung tu sửa, nạo vét, khơi thông kênh mương, bảo đảm phục vụ nước tưới tiêu cho sản xuất.
Bài, ảnh: Thái Học