Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Lạc trên cánh đồng thuộc xã Đồng Hướng. Trên thửa ruộng của gia đình, giống lúa Bắc Thơm đang lên xanh tốt. Cần mẫn nhổ cỏ lúa, ông tâm sự: Sau cơn bão số 1, cả cánh đồng ngập trắng trong nước.
Do mất điện nên HTX phải huy động máy bơm dầu để tiêu úng cứu lúa. Ba ngày sau đó, thửa ruộng của gia đình tôi mới thoát khỏi cảnh ngập trong nước. Thực hiện theo chỉ đạo của HTX, gia đình đã tập trung chăm sóc lúa sau mưa bão. Hiện nay cây lúa đã xanh tốt trở lại.
Theo báo cáo của huyện Kim Sơn về tình hình thiệt hại sau cơn bão số 1, trên địa bàn huyện có gần 360 cột điện bị đổ, chính vì vậy, việc cung cấp điện cho các trạm bơm bị gián đoạn. Các trạm bơm bị "tê liệt" dẫn tới nguy cơ mất trắng từ 85 - 90% tổng diện tích lúa mùa.
Trước tình thế đó, huyện Kim Sơn đã chỉ đạo UBND các xã và các HTX nông nghiệp khẩn trương khắc phục bằng các biện pháp: chủ động bơm, tát bằng hệ thống trạm bơm điện, trạm bơm vô ống, các máy bơm dã chiến và kết hợp với biện pháp lợi dụng thủy triều để tiêu thoát nước chống úng kịp thời cho lúa.
Đồng thời gieo mạ, cấy bổ sung phần diện tích bị chết, tích cực tỉa lúa, cấy dặm và chăm bón để lúa nhanh phục hồi, sinh trưởng và phát triển.
Tại HTX Xuân Thiện, cơn bão số 1 đã làm gần 209 ha lúa mùa bị ngập úng. Ông Lại Văn Hải, Giám đốc HTX cho biết: Từ đầu vụ sản xuất, HTX đã thống kê và ký hợp đồng với các xã viên sở hữu máy bơm dầu, sẵn sàng huy động số máy trên khi tình trạng ngập úng xảy ra.
Chính vì vậy, thực hiện công tác tiêu úng sau cơn bão số 1 vừa qua, HTX đã chủ động vận hành 21 máy bơm dầu để rút nước cho gần 160 ha lúa, diện tích còn lại được tiêu úng bằng thủy triều.
Chịu ảnh hưởng nặng nề hơn Xuân Thiện, tại HTX Hồi Ninh, một số diện tích lúa mùa muộn bị chết úng. Không còn sẵn mạ dự trữ, người dân phải tiến hành gieo thêm mạ để cấy bổ sung.
Ông Nguyễn Thế Tào, Giám đốc HTX cho biết: Dù đã huy động 30 máy bơm dầu để tiêu úng, song gần 60 ha trong tổng số 349 ha lúa của HTX đã bị thiệt hại. Lúa mới cấy ngâm nước quá lâu, đến khi rút được nước ra khỏi đồng thì lúa đã chết.
HTX đã vận động bà con nông dân dồn số lúa còn sống lại vào những khoảng ruộng kế bên để tiến hành gieo cấy lại số diện tích dư ra. Đến nay, cả diện tích lúa cấy trước bão và cấy lại sau bão đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Để đạt được kết quả đó, một số giải pháp kỹ thuật đã được các HTX và nông dân trong huyện áp dụng như: Điều chỉnh mực nước tiêu thoát đảm bảo cây lúa không bị đổ rạp. Nếu ruộng có rong rêu, bùn đất bám trên cây cần té nước rửa lá để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp.
Khi nước trên ruộng rút xuống và lá lúa nhô cao mặt nước trên 10 cm, lá lúa chuyển màu xanh cần phun các chất hỗ trợ sinh trưởng, phân qua lá giúp cây lúa phục hồi nhanh. Trong thời điểm hiện nay, khi công tác khắc phục hậu quả sau bão đã hoàn thành, bà con nông dân đang tập trung làm cỏ lúa, theo dõi và diệt chuột.
Thái Học