Ông Đặng Văn Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn cho biết: Để triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, ngay từ đầu năm, bám sát định hướng của ngành, các văn bản chỉ đạo của Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam, của Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh để cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong đơn vị.
Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã chủ động tham mưu để phân bổ nguồn vốn tăng trưởng cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường cho các xã, thị trấn.
Trên cơ sở các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng CSXH tỉnh, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn đã phối hợp thực hiện việc giải ngân nguồn vốn tăng trưởng cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng như nguồn vốn thu hồi của các chương trình.
Mặt khác, Ngân hàng tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thông qua việc giao ban định kỳ 2 tháng/lần giữa Ngân hàng CSXH huyện với các tổ chức xã hội của huyện và 1 tháng/lần giữa Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện với Ban giảm nghèo, tổ chức Hội nhận ủy thác cấp xã, Tổ TK&VV.
Cùng với đó, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện để tổng kết công tác Hội, gắn với tập huấn nghiệp vụ ủy thác vay vốn Ngân hàng CSXH cho Thường vụ Hội cơ sở và Tổ trưởng Tổ TK&VV. Vì vậy, nhận thức của lãnh đạo Hội cơ sở, Ban quản lý Tổ TK&VV và người dân đã thay đổi, vốn vay ưu đãi đã đến đúng đối tượng và được sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
Cùng với đó, để tạo thuận lợi cho người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, ở các điểm giao dịch của Ngân hàng tại các xã, thị trấn được trang bị đầy đủ các bảng biểu như: Thông báo chính sách tín dụng ưu đãi; công khai danh sách hộ vay; biển hiệu, hòm thư góp ý...
Còn tại các tổ giao dịch lưu động đều được trang bị đầy đủ các thiết bị như: Máy phát điện, máy đếm tiền, máy soi tiền, Camera… để thuận tiện cho việc giám sát của người dân, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội và phát huy tốt hiệu quả vốn vay, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã chủ động phối hợp với các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hộ nghèo, các đối tượng để các hộ được thông tin đầy đủ, kịp thời.
Thực hiện Quyết định số 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện chủ động phối hợp với các ngành có liên quan, các tổ chức Hội nhận ủy thác để giải ngân kịp thời, góp phần giúp học sinh, sinh viên yên tâm học tập.
Ngoài việc triển khai giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Phòng giao dịch Ngân hàng CSHX huyện Kim Sơn còn quan tâm huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân để có thêm nguồn lực giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn. Toàn huyện hiện có 431 tổ TK&VV. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã huy động nguồn vốn trên 8,1 tỷ đồng, trong đó huy động tiết kiệm dân cư là trên 1,6 tỷ đồng, tăng 1,2 tỷ đồng; nguồn vốn qua các Tổ TK&VV là 5,5 tỷ đồng, tăng 787 triệu đồng so với cuối năm 2016.
Theo thống kê, hiện toàn huyện Kim Sơn đã có trên 15 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách với dư nợ trên 358 tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2016 là 23 tỷ đồng (bình quân 24 triệu đồng/hộ).
Trong đó, trên 58,2 tỷ đồng cho vay hộ nghèo; 102 tỷ đồng cho vay hộ cận nghèo; trên 26 tỷ đồng cho vay hộ thoát nghèo; cho vay học sinh, sinh viên đạt 57 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 8,2 tỷ đồng... Từ nguồn vốn vay, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhiều gia đình đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Từ việc chỉ cấy lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ thu nhập thấp, bấp bênh, nhiều hộ đã biết lựa chọn những mô hình kinh tế phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Điển hình như các xã Thượng Kiệm, Đồng Hướng, Quang Thiện, Ân Hòa đã phát huy, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách để giúp người dân lựa chọn những cây trồng, con nuôi, mô hình kinh tế phù hợp với thực tế địa phương.
Triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tạo động lực để hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Kim Sơn vươn lên trong cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Mai Lan