Ông Trần Văn Hưng (Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Kim Sơn) cho biết: hiện có 1.800 hội viên sinh vật cảnh, sinh hoạt tại 27/27 chi hội xã, thị trấn. Những năm qua, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm huyện Kim Sơn mở các lớp dạy về sinh vật cảnh, trong đó chủ yếu là kỹ thuật tạo dáng và chăm sóc cây cảnh. Năm 2013 mở 2 lớp, năm 2014 mở 1 lớp, năm 2015 mở 1 lớp. Số lượng mỗi lớp 35 người, đối tượng theo học là các lao động nông thôn trong độ tuổi lao động. Thời lượng học khoảng hơn 300 tiết, do các giáo viên và nghệ nhân của Hội Sinh vật cảnh tỉnh Ninh Bình giảng dạy. Điểm đáng ghi nhận số lượng học viên đăng ký theo học ngày càng nhiều. Sở dĩ có hiệu ứng tích cực như trên là do tính thực tiễn rất cao mà các lớp dạy nghề sinh vật cảnh mang lại. Các bài giảng không đặt nặng kiến thức lý thuyết mà chú trọng dạy các kỹ năng thực hành với nhiều nội dung sát với thực tiễn hoạt động sinh vật cảnh như: trồng cây trên đá độc thạch, kỹ thuật tạo hình, trồng cây để có tỷ lệ sống cao, chế tác non bộ, thiết kế tiểu cảnh, kỹ thuật trồng các loại cây to, cây mới khai thác có tỷ lệ sống cao, cách lắp các hòn non bộ lớn, thú chơi sinh vật cảnh... Có một thực tế không thể phủ nhận là nhờ những lớp học này nhiều lao động đã tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định, nhiều lao động nắm vững kỹ thuật, khéo tay có thu nhập rất cao. Cũng theo ông Trần Văn Hưng, tuy số lượng tham gia lớp học nghề chưa phải là đông, song điểm đáng mừng là sau khi học xong lớp đào tạo nghề tạo dáng và chăm sóc cây cảnh đã có không ít hội viên thành nghề, có thể "cầm kìm, cầm kéo" đi "kiếm cơm thiên hạ" được. Trong số đó có các ông Nguyễn Quang Huy (Kim Mỹ), Cao Xuân Chiến (Quang Thiện), Phạm Huy Điệp (Thượng Kiệm), Nguyễn Kim Lăng (Lai Thành), Trần Phong Thủy (Ân Hòa). 2 hội viên Cao Xuân Chiến, Nguyễn Kim Lăng đã phát triển kinh tế tốt nhờ làm nghề chăm sóc và uốn tỉa cây cảnh. Đặc biệt anh Bùi Quang Vi (xóm 13, Lai Thành) hiện là một trong những hội viên khá năng động trong hoạt động kinh doanh sinh vật cảnh. Hiện anh Vi có 800 cây cảnh các loại, với hơn 30 chủng loại cây, bao gồm cây hoa, cây thế ăn quả, cây bóng mát. Năm 2011-2012 anh đã bán được 200 cây với trị giá 3,5 tỷ đồng, thu lãi 1,2 tỷ đồng. Các năm sau tuy thị trường sinh vật cảnh có phần trầm lắng, song do đã có thương hiệu và các mối quan hệ làm ăn nên sản phẩm của anh Vi vẫn tiêu thụ đều. Năm 2014, trung bình mỗi tháng anh Vi xuất bán khoảng 10 triệu đồng tiền cây, năm 2015 mỗi tháng doanh số bán ra của anh lên mức 200-300 triệu đồng, lợi nhuận mang lại khoảng 20% doanh số. Điều đặc biệt ấn tượng là chỉ riêng vườn cây lấy lá của anh hàng tháng cũng cho thu nhập đều đặn hàng chục triệu đồng. Các loại cây cho lá như: thiết mộc lan, ngâu, tàu cau có giá bán cao. Lá vạn tuế bán tại vườn 1.200 đồng/lá; thiết mộc lan 1.000 đồng/lá, tàu cau 600 đồng/cái... các thương lái thu mua không hạn chế số lượng. Các sản phẩm này sau đó được bán lại cho các cửa hàng hoa tại thành phố Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định... Do sản phẩm tiêu thụ tốt, hiện hội viên Bùi Quang Vi đang mở rộng việc kinh doanh. Ngoài 1.000 m2 đất thổ cư, anh còn thuê thêm 5 sào vườn để trồng vạn tuế, 600m2 đất trồng cây bóng mát và sử dụng 4 lao động thời vụ. Từ chỗ là người chơi cảnh, anh Vi đã chuyển sang kinh doanh sinh vật cảnh...
Học viên Trần Văn Trọng (xóm 2, Kim Đông) là một ví dụ khác về tính hiệu quả của việc dạy nghề sinh vật cảnh. Anh Trọng xuất thân từ nghề thợ xây, là một trong 21 hộ dân có mặt đầu tiên kể từ khi thành lập xã vùng kinh tế mới này. Từ năm 2013 anh Trọng đã theo học các lớp dạy nghề sinh vật cảnh của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm huyện Kim Sơn. Từ yêu cây đến kinh doanh cây cảnh của anh Trọng là cả một quá trình. Qua thời gian anh Trọng nhận thấy trong vườn nhà khi nhiều cây sống rất èo uột thì riêng cây sanh lá vẫn tươi tốt. Anh cũng lấy làm thắc mắc khi mỗi lần sang các huyện của Nam Định thấy nhiều hộ dân ở đây trồng rất nhiều cây này. Tìm hiểu mới biết đó là giống cây phục vụ việc uốn tỉa làm cảnh. Về quê, một ý tưởng nẩy ra trong đầu anh: phải học nghề cây cảnh để tận dụng diện tích vườn phèn mặn của gia đình mình. Chính điều đó đã thôi thúc anh tìm đến các lớp đào tạo nghề của huyện. Hoàn thành khóa học, lại sẵn có tay nghề thợ xây, anh Trọng vừa tập làm nghề uốn tỉa cây, vừa đúc các loại đôn, chậu để bán. Yêu thích và ham học hỏi, qua thời gian anh Trọng đã trở thành một người thợ lành nghề. Từ chỗ "ra vốn" ban đầu mua 200 cành sanh với giá 1.800 đồng/cành vào năm 2012, nay anh Trọng đã bán được 500 triệu đồng tiền cây trong khi số lượng 200 cành sanh ban đầu vẫn không ngừng sinh sôi nảy nở. Từ đầu năm đến nay anh đã bán 80 triệu tiền đôn chậu, hơn 100 triệu đồng tiền cây. Anh Trọng cho biết, nhờ có tay nghề, hàng ngày anh vẫn đều đặn đi uốn tỉa cây với ngày công 350 nghìn đồng/ngày. Việc làm của anh hầu như quanh năm. Cũng từ nghề cây cảnh, anh Trọng đã xây được nhà, các con được học hành và mới đây nhất anh xuất bán một lô cây cảnh để tậu cho cậu con trai chiếc xe du lịch trị giá 500 triệu đồng để làm dịch vụ chở khách.
Sẽ là rất chủ quan nếu nói về "hiệu quả tức thời" của các lớp dạy nghề sinh vật cảnh huyện Kim Sơn những năm gần đây. Tuy nhiên khi chứng kiến những ví dụ cụ thể về các hội viên thì cũng khó ai có thể bác bỏ được tính hiệu quả của các lớp dạy nghề này. Tất nhiên trong số 150 học viên không phải ai cũng có thể làm giàu được như anh Vi, anh Trọng nhưng rõ ràng các lớp dạy nghề này đã mang lại không ít cơ hội việc làm cho các lao động. Trong điều kiện việc làm khó khăn như hiện nay, việc đào tạo nghề sinh vật cảnh cho lao động nông thôn ở Kim Sơn cũng là một trong những cách làm được cho là phù hợp và có tính thực tiễn cao.
Bài, ảnh: Mai Phương