Nhiều năm qua, Kim Sơn luôn đạt được thành tích tốt trong công tác PCTT&TKCN, không để xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân trước sự "tấn công" của 4-5 cơn bão đổ bộ mỗi năm.
Đồng chí Trần Anh Khôi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Kim Sơn cho biết: Trong năm 2016, do công tác chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ và hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị, công tác PCTT&TKCN của huyện Kim Sơn đã được triển khai và thực hiện hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Trong cơn bão số 1 và số 3, với sự phối hợp của Đồn biên phòng Kim Sơn, Hải đội Biên phòng 2 đã thông báo cho các phương tiện đang hoạt động và nhân dân đang sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản ở các lồng, bè, nhà chòi trên biển nắm chắc diễn biến, đường đi của bão.
Đồng thời bắn pháo hiệu thông báo, kêu gọi, hướng dẫn cho trên 350 lượt tàu thuyền ngoài khơi vào bờ tránh trú bão. Di rời 826 hộ dân với gần 1.600 nhân khẩu đang nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê Bình Minh 2, Bình Minh 3, khu vực Cồn Nổi vào nơi an toàn.
Mặt khác, các xã, thị trấn tổ chức trên 1.500 lượt dân quân phối hợp với lực lượng công an cơ sở tổ chức tuần tra, canh gác trên các tuyến đê, kè, cống xung yếu, các khu vực dân cư khi bão đổ bộ vào địa bàn, nhất là trong đêm tối, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn huyện.
Xác định rõ vai trò nòng cốt trong công tác PCTT&TKCN, các lực lượng vũ trang huyện Kim Sơn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo phương án PCTT&TKCN của đơn vị mình. Theo thống kê của Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Kim Sơn, lực lượng thường trực tại Ban CHQS huyện có quân số từ 45-50 người.
Lực lượng dân quân tự vệ có quân số trên 2.700 người, được biên chế thành 27 Ban CHQS xã, thị trấn, 1 Ban CHQS công ty và 18 tiểu đội tự vệ. Lực lượng dự bị động viên có quân số là 465 người, biên chế thành 3 đại đội, 3 trung đội, 1 tiểu đội và bộ phần Tiểu đoàn bộ.
Cùng thực hiện công tác PCTT&TKCN tại địa bàn huyện Kim Sơn còn có sự tham gia của các đơn vị bạn quân như: Đồn Biên phòng Kim Sơn, Hải đội Biên phòng 2, Ban quản lý dự án lấn biển Bình Minh 3 (Đoàn 500/QK3), đơn vị 1080/QĐ1, đội sản xuất Lữ đoàn 279/BTL Công binh.
Bên cạnh đó, hàng năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN còn tổ chức hiệp đồng với các đơn vị quân đội khác của QĐ1, QK3, Bộ CHQS tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, Trung tâm viễn thông quân đội.
Như vậy, nếu tính tổng lực lượng huy động được để thực hiện công tác PCTT&TKCN có thể lên đến gần 4.000 người. Trung tá Ngô Xuân Nam, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Kim Sơn cho biết: Tùy vào tình hình diễn biến thời tiết, mức độ ảnh hưởng của thiên tai...
Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện sẽ điều động lực lượng tham gia. Trong kế hoạch hiệp đồng cũng chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị như: gia cố, bảo vệ đê, kè, cống; sơ tán nhân dân, tìm kiếm cứu nạn trên các cửa sông và biển; chăm sóc y tế cho những người bị thương và khắc phục hậu quả sau bão.
Các đơn vị nêu cao tinh thần chủ động, tích cực chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, thực hiện tốt phương châm "3 trước": Chủ động phòng chống, - Phát hiện xử lý - Lực lượng, phương tiện vật tư, phương án được chuẩn bị trước và "4 tại chỗ": Lực lượng tại chỗ - Vật tư, phương tiện tại chỗ - Hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.
Ban CHQS huyện cũng chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc pháp lệnh, chỉ thị, kế hoạch, phương án PCTT&TKCN tới mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện. Trên cơ sở phương án, kế hoạch của huyện, các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án sát với đặc điểm, tình hình thực tế của đơn vị mình.
Thành lập ban chỉ huy PCTT&TKCN của huyện và các Tiểu ban Chỉ huy PCTT&TKCN ở các Tiểu khu để chỉ đạo lực lượng phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các ban, ngành, đoàn thể tham gia PCTT&TKCN, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra và tham gia giải quyết hậu quả sau bão, lụt, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.
Thái Học