• Sau 5 năm tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TƯ huyện Kim Sơn đã đạt được những kết quả: nhận thức ngày càng rõ hơn, đầy đủ hơn về vị trí vai trò và tầm quan trong của nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam. Từ chuyển biến về nhận thức đã có ý thức và hành động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Bênh viện huyện, phòng khám đa khoa Cồn Thoi, các xã, thị trấn đều có phòng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền với các trang thiết bị cần thiết. Trạm y tế các xã, thị trấn đều có vườn thuốc mẫu với diện tích khoảng trên 80m2 và được trồng trên 50 loại cây thuốc khác nhau.
Đội ngũ cán bộ y học cổ truyền từ huyện đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn. Bênh viện huyện và phòng khám đa khoa khu vực có 6 cán bộ y học cổ truyền thì 2 đang theo học Đại học, 4 y sỹ. 27/27 xã, thị trấn có cán bộ chuyên môn về y học cổ truyền, trong đó có 22 biên chế, 5 hợp đồng.
Hiện nay Hội đông y huyện đã có 500 hội viên ở 27 chi hội trực thuộc. Mỗi năm toàn Hội Đông y huyện khám chữa bệnh cho khoảng 38.000 lượt người và điều trị khỏi bệnh đạt tỷ lệ 65%...
• Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TƯ ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo, cấp ủy Đảng các địa phương, các ngành tập trung sưu tầm tư liệu của các giai đoạn trước đây bao gồm: các văn bản , hình ảnh và gặp gỡ trao đổi với các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt để sưu tầm tư liệu, xác minh tư liệu nhằm lưu trữ, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm về lịch sử các Đảng bộ, ngành mình…
10 năm qua, về cơ bản các xã, thị trấn đã lập được sổ danh mục tài liệu lưu trữ và tiến hành lưu trữ theo quy định. Hầu hết các xã, thị trấn đã lập sổ biên niên lịch sử và tiến hành biên niên sự kiện từ tháng 1-2013.
Việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử các Đảng bộ đã thu hút được đông đảo các cán bộ, nhân chứng lịch sử tham gia, đóng góp bổ sung với những tư liệu có giá trị và làm rõ nhiều sự kiện, vấn đề lịch sử. Trước khi xuất bản các ấn phẩm lịch sử, các đơn vị đều tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rồi thẩm định, đánh giá khách quan nghiêm túc.
Năm 2002 đã biên soạn và xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện tập II giai đoạn 1954-1975; năm 2006 xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện tập III giai đoạn 1975-2005; năm 2008 chỉnh lý bổ sung xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện 1947- 2007 và tái bản cuốn Công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Kim Sơn. Ban chỉ huy quân sự huyện và Huyện đoàn cũng đã biên soạn và xuất bản được cuốn lịch sử hoặc lược sử của ngành mình. Tính đến tháng 6-2013, toàn huyện đã có 17/27 xã, thị trấn biên soạn và xuất bản được cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương của mình…
Như vậy, toàn huyện đã có 25 ấn phẩm lịch sử được biên soạn và xuất bản. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa quan tâm, đầu tư thời gian công sức cho công tác sưu tầm, lưu trữ, biên soạn, biên niên sự kiện lịch sử nên chất lượng một số công trình lịch sử đã xuất bản còn hạn chế; công tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trước, trong và sau khi xuất bản chưa được chú trọng; địa phương chưa xuất bản được lịch sử Đảng bộ của mình còn nhiều...
Nhiệm vụ trong thời gian tới: tiếp tục công tác tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị tới mọi tầng lớp nhân dân; rà soát, kiện toàn lại ban chỉ đạo, ban sưu tầm, biên soạn ở các xã, thị trấn.
Các đơn vi đã xuất bản cần tiếp tục sưu tầm, lưu trữ, biên niên sự kiện phục vụ cho biên soạn xuất bản lịch sử giai đoạn tiếp theo. Các đơn vị chưa xuất bản được lịch sử Đảng bộ, lịch sử ngành cần tập trung cao cho công tác sưu tầm, biên soạn và phấn đấu đến hết quý IV/2014 hoàn thành xuất bản lịch sử và tiếp tục biên niên sự kiện theo quy định.
Tăng cường thông tin tuyên truyền, giới thiệu về ấn phẩm đã xuất bản nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc tới mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Tại hội nghị, Huyện ủy Kim Sơn đã tặng giấy khen cho 5 đơn vị có thành tích trong việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TƯ và 5 đơn vị có thành tích trong việc thực hiện Chỉ thị 15-CT/TƯ.
• Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Kim Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu trong nghị quyết. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26, huyện Kim Sơn đã đạt được những kết quả nổi bật: sản xuất nông nghiệp, thủy sản có nhiều tiến bộ với những bước tiến mới cả về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao trình độ thâm canh, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao.
Năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm sản phẩm đều tăng: Năm 2012 sản lượng lương thực có hạt đạt mức trên 107.670 tấn, tăng gần 12. 237 tấn so với năm 2008; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác năm 2012 đạt 110 triệu đồng/năm, tăng 45,8 triệu đồng/ha so với năm 2008.
Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; Thủy sản vùng bãi bồi là vùng sản xuất đem lại hiệu quả cao với sản lượng thủy hải sản năm 2012 đạt 20.362 tấn, tăng 12.612 tấn so với năm 2008.
Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ. Tính đến hết năm 2012, thu nhập bình quân đầu người đạt 14,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 9,99% (theo tiêu chí mới), hộ cận nghèo 9,88%.
Từ năm 2008 đến nay đã hỗ trợ xóa nhà tạm dột nát cho 689 hộ. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, việc đầu tư và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm, hệ thống đường giao thông các xã, thị trấn được cứng hóa; 100% các xã, thị trấn có hệ thống lưới điện quốc gia; các công trình thủy lợi, đê điều được quan tâm đầu tư nâng cấp cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng, chống lụt bão.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng nâng cao: 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 61,38% các trường đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn có quy hoạch khu thể thao; 83% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, vị thế của giai cấp nông dân được nâng cao, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy.
Để thực hiện tốt Nghị quyết 26-NQ/TƯ trong thời gian tới, Ban thường vụ Huyện ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, hội, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các giải pháp: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động sâu rộng trong tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới.
3 nhiệm vụ hàng đầu là: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phát triển dịch vụ, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề, xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị của sản phẩm, phát triển nông nghiệp bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập và cải thiện mạnh mẽ đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân...
Đinh Chúc