Huyện Kim Sơn đã sớm xây dựng kế hoạch và triển khai công tác PCLB & TKCN. Huyện đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ huy PCLB & TKCN các cấp. Phương châm PCLB & TKCN của huyện là thực hiện tốt "4 tại chỗ", chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn chương nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Qua công tác kiểm tra đê, kè, cống cho thấy: Tuyến đê Bình Minh II đã hoàn thành, có khả năng chống bão và chịu được sức gió cấp 12 và thủy triều trung bình, đây là tuyến đê quan trọng trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão biển. Tuy nhiên vẫn còn một số công trình, hạng mục của các tuyến đê hữu Đáy, tả Vạc, Hữu Vạc, đê Càn được xây dựng đã lâu nên kè bị xói lở; cống bị hư hỏng, thân cống ngắn lại, mang cống cần tu sửa nối dài hoặc xây mới; mái đê bị sạt lở nhiều chỗ, mặt cắt đê nhỏ hẹp, cao trình đê thấp...
Hiện tại, huyện Kim Sơn có 7 trạm bơm tiêu với 45 máy có công suất từ 1.000 - 4.000 m3/h, trong đó có 4 trạm bơm xây dựng từ lâu đã xuống cấp, chỉ đạt 60 - 70% công suất thiết kế; trạm bơm Phát Diệm hệ thống kênh dẫn chưa hoàn chỉnh, vì vậy khả năng tiêu úng bằng động lực chưa đảm bảo yêu cầu sản xuất, hàng năm các xã vẫn phải có phương án tiêu úng cục bộ khi có mưa lớn. Qua công tác kiểm tra, huyện xác định các điểm xung yếu trong mùa mưa bão năm nay là cống Tùng Thiện, Chất Thành, Lạc Thiện 1, Lạc Thiện 2, Quy Hậu, Thủy Sản, Chợ Nam Dân, cống xóm 2, cống xóm 3, cống Càn Cụt; kè Chất Thành, kè Chính Tâm...
Tại các điểm xung yếu, huyện đã giao cho các xã, xử lý, đảm bảo an toàn khi có bão lũ xảy ra. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác PCLB & TKCN của huyện Kim Sơn vẫn là phương án di dân. Hiện nay, huyện có vùng kinh tế mới gồm 3 xã ven biển là Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải và hai đơn vị Quân đội đóng trên địa bàn. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của huyện, đồng thời là trọng điểm phòng, chống lụt bão, với tổng diện tích 1.932 ha, có 1.983 hộ dân sinh sống. Khu vực ngoài đê Bình Minh II có tổng diện tích 4.550 ha bao gồm vùng bãi bồi và Cồn Nổi với trên 1.000 hộ đang khai thác, nuôi trồng thủy sản. Vùng ngoài đê Bình Minh II là vùng cửa biển, khi có bão, nước thủy triều lên rất nhanh, toàn bộ giao thông vùng bãi bồi bị ngập, việc đi lại rất nguy hiểm. Trong khi tâm lý của người dân còn chủ quan, không muốn rời bỏ tài sản của mình, nhiều người cố bám trụ khi mưa bão đến, khiến cho công tác di dân gặp nhiều khó khăn. Kinh nghiệm những mùa bão trước cho thấy, công tác di dân phải dựa vào hai lực lượng chính là bộ đội và công an.
Huyện Kim Sơn đã xây dựng phương án và chuẩn bị tốt các điều kiện để di dân vùng bãi bồi ven biển. Trước khi có bão lũ xảy ra, tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ và nhân dân trong địa bàn toàn huyện về Pháp lệnh PCLB & TKCN, các quy định của Chính phủ, của UBND tỉnh về công tác PCLB & TKCN.
Đồng thời hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị phương tiện di chuyển tải sản, con người khi có bão. Về lực lượng tổ chức di dân, ngoài lực lượng, phương tiện Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện đã giao cho các xã chuẩn bị, các xã vùng kinh tế biển và hai đơn vị Quân đội có phương án riêng về lực lượng và phương tiện bổ sung để tăng cường giúp dân di tản, các hộ dân cũng phải làm tốt công tác chuẩn bị để khi cần có thể di chuyển được ngay.
Hương Giang