Tính đến thời điểm ngày 1-4, khu vực từ đê Bình Minh 1 đến đê Bình Minh 2 có tổng diện tích hơn 1.900 ha, có 3.173 hộ dân với trên 12.600 nhân khẩu. Khu vực từ đê Bình Minh 2 ra đến Cồn Nổi rộng hơn 7.000 ha, tập trung nhiều khu ao đầm nuôi trồng thủy sản của nhân dân các xã. Cùng với đó là các lán, chòi được người dân sử dụng là nơi trú ngụ trong quá trình nuôi ngao. Trong những trường hợp khẩn cấp như xảy ra bão, lũ lụt, sóng thần..., mực nước dâng quá cao sẽ đe dọa đến tính mạng của hàng vạn con người, vì vậy, phương án tối ưu nhất là di dân khỏi khu vực nguy hiểm về nơi an toàn.
Đồng chí Trần Anh Khôi, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Kim Sơn cho biết: UBND huyện đã xây dựng phương án hậu phương và di dân vùng bãi bồi ven biển năm 2016.
Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị khi có thiên tai xảy ra tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện nhằm sơ tán nhân dân về nơi an toàn, đảm bảo tính mạng của người dân.
Qua việc đánh giá thực tế, phân tích tình hình của bão, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện sẽ ra lệnh di dân các khu vực phía trong đê.
Theo đó, với áp thấp nhiệt đới và bão có sức gió mạnh đến cấp 8, cấp 9 hoạt động trên biển, vùng biển ven bờ, trên đất liền (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3) sẽ tổ chức di dân phía ngoài đê Bình Minh 3 và đê Bình Minh 2 vào trong đê Bình Minh 2 tránh trú bão. Đối với bão có sức gió mạnh đến cấp 10, cấp 11 sẽ tổ chức di dân từ đê Bình Minh 2 đến đê Bình Minh 1.
Đối với bão có sức gió mạnh đến cấp 12, cấp 13 sẽ tổ chức di dân triệt để từ phía ngoài đê Bình Minh 2 và phía ngoài đê Bình Minh 1 vào trong đê Bình Minh 1, tập trung nhân dân tại các công sở kiên cố trong vùng như các trường tiểu học, THCS, THPT Bình Minh, Công ty TNHH MTV Bình Minh, trụ sở UBND xã Cồn Thoi...
Tại đây, lực lượng y, bác sĩ của Bệnh viện đa khoa huyện được điều động cùng một cơ số thuốc dự trữ và dụng cụ y tế sẽ tiến hành việc chăm sóc sức khỏe hoặc điều trị kịp thời cho các bệnh nhân bị thương. Các tàu đánh bắt thủy hải sản ngoài khơi sẽ được cảnh báo tìm nơi neo đậu an toàn tránh bão qua hệ thống radio.
Trên địa bàn huyện có 2 địa điểm đáp ứng nhu cầu neo đậu cho trên 500 tàu cá với công suất từ 60 CV đến 300 CV tại cửa sông Đáy và bến đậu Thủy Cơ, HTX khai thác Thủy sản xa bờ Kim Chính (xã Kim Chính). Các bến đậu cửa cống Như Tân, Tùng Thiện, Phát Diệm, Kè Đông... là nơi neo đậu của các thuyền có công suất nhỏ hơn.
Các tàu thuyền cần phải chằng chống, neo đậu vững chắc, sơ tán toàn bộ số thuyền viên, lao động trên tàu về nơi an toàn. Trường hợp xảy ra động đất, sóng thần..., tùy vào tình hình thực tế sẽ được triển khai phương án di dân triệt để, cấp tốc.
Nhằm chủ động, sẵn sàng trong công tác di dân khi xảy ra thiên tai, các xã vùng bãi bồi ven biển là Kim Đông, Kim Trung và Kim Hải cũng phải xây dựng riêng phương án di dân, tùy vào đặc điểm, tình hình của địa phương.
Ông Vũ Trường Thu, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết: Xã Kim Trung hiện nay có trên 4.000 nhân khẩu. Ngoài ra, còn có số người ngoài xã hiện đang khai thác, nuôi trồng thủy sản tại khu nuôi trồng công nghiệp Kim Trung là 34 tổ chức, cá nhân với 70 nhân khẩu, khu vực đơn vị 279 Bộ Tư lệnh Công binh là 229 khẩu, vùng bãi ngoài đê Bình Minh 2 là 251 khẩu.
Sản xuất của nhân dân trong xã hầu hết là nuôi trồng thủy sản, do đó, công tác phòng, chống bão lụt hết sức cần thiết, cần phải có sự chủ động, chuẩn bị tích cực và huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão.
Từ tháng 4-2016, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và triển khai tới từng thôn, xóm. Tập trung công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sẵn sàng phương án di dân trong trường hợp có bão với sức gió mạnh trên cấp 8.
Trong trường hợp xảy ra thiên tai, quán triệt việc thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ": chỉ huy, lực lượng, vật tư và hậu cần tại chỗ. Xã đã thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lập danh sách lực lượng với 197 người quen sông nước cùng lực lượng dân quân, công an xã, đoàn viên, thanh niên sẵn sàng điều động khi có bão đổ bộ vào địa bàn.
Về vật tư, UBND xã đã chuẩn bị đầy đủ bao tải, dây bẹ, cọc tre, dây thép, kìm điện và đèn pin. Các tổ chốt được trang bị trống hoặc kẻng để báo hiệu, huy động lực lượng ứng phó.
Cùng với đó là 4 xe vận tải, 1 thuyền máy với đầy đủ nhiên liệu dự trữ, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn và đưa đón nhân dân vào khu vực an toàn.
UBND xã đã chuẩn bị 1 tấn gạo, 20 thùng lương khô, 20 thùng mỳ tôm và 50 thùng nước uống, đồng thời vận động mỗi gia đình chuẩn bị 5 - 7 ngày lương thực, thực phẩm đề phòng trường hợp bão, lũ dài ngày.
Trạm y tế xã được giao nhiệm vụ chuẩn bị thuốc, dụng cụ y tế cần thiết, tổ chức trực cấp cứu 24/24h khi có bão lụt đổ bộ vào địa bàn.
Trong kí ức của những người dân vùng ven biển Kim Sơn hẳn không thể quên trận bão năm 2008, gần như toàn bộ người dân nơi đây đều phải di dân, hay trận bão năm 2012 phải di dân khu vực ngoài đê Bình Minh 3. Đó là những bài học kinh nghiệm quý để cấp ủy, chính quyền và nhân dân 3 xã Kim Đông, Kim Trung và Kim Hải luôn sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
Thái Học