Thời điểm này, huyện đang tích cực triển khai các biện pháp, phấn đấu giành thắng lợi toàn diện cả về diện tích, năng suất, giá trị thu nhập của vụ sản xuất này.
Theo kế hoạch, vụ đông xuân năm nay, huyện Kim Sơn phấn đấu gieo cấy 8.387 ha, năng suất bình quân đạt 68 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 57.073 tấn. Với mục tiêu đẩy mạnh tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, từng bước hình thành cánh đồng mẫu lớn, tập trung phát triển sản xuất tăng thu nhập cho nông dân. Do đó, tùy thuộc vào điều kiện đất đai, trình độ thâm canh, cơ sở hạ tầng…, các đơn vị bố trí các giống lúa để đạt hiệu quả cao nhất; mỗi vùng chỉ nên trồng từ 1 - 2 giống lúa để thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao để tạo nguồn hàng hóa phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng tại địa phương. Theo đó, huyện bố trí 45% diện tích lúa lai, lúa cao sản với các giống chủ lực: Phú ưu 1, Nhị ưu 838, GS9, Syn6...; 55% diện tích giống lúa thuần, lúa chất lượng cao, cấy bằng các giống Bắc thơm số 7, LT2, RVT, TBR45… Bên cạnh đó, huyện tiếp tục khuyến khích các đơn vị sản xuất thử một số giống mới như: TBR288, ĐH18… Huyện chỉ đạo các đơn vị 100% diện tích gieo cấy lúa là trà xuân muộn.
Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn: Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cơ bản thì vụ đông xuân năm nay, nhân dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Thời tiết mưa, nắng thất thường gây khó khăn trong việc làm đất, lấy nước đổ ải. Các đối tượng gây hại có chiều hướng phát sinh phức tạp, nhất là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn xọc đen. Bên cạnh đó thì giá cả vật tư, nông sản phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn biến động theo chiều hướng tăng cao, gây khó khăn cho việc đầu tư, thâm canh của nông dân.
Để thực hiện thắng lợi vụ đông xuân 2013, ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, HTX nông nghiệp tập trung vệ sinh đồng ruộng. Các địa phương đã ra quân làm thủy lợi nội đồng tập trung tôn cao khép kín bờ vùng, bờ thửa, nạo vét hệ thống kênh mương dẫn nước, cửa cống lấy nước, khơi thông dòng chảy đảm bảo tưới tiêu thuận lợi. Đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình đầu mối, xây dựng kênh mương kiên cố và cống đầu kênh phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó huyện chỉ đạo các đơn vị, HTX Nông nghiệp huy động tối đa các phương tiện, máy móc tập trung cho công tác làm đất. Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật về gieo trồng, chăm sóc, phòng, chống các đối tượng gây hại trên cây lúa cho bà con nông dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng, chủng loại, giá cả các loại vật tư nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất. Tổ chức gieo mạ đúng lịch, đúng giống, áp dụng biện pháp gieo mạ nền, che phủ nilon đề phòng rét đậm, rét hại làm chết mạ. Bên cạnh phương pháp gieo cấy truyền thống, huyện Kim Sơn cũng khuyến khích các đơn vị thực hiện bằng phương pháp gieo thẳng, phát triển diện tích gieo thẳng đối với những diện tích liền bờ, liền thửa, liền vùng. Tổ chức và huy động mọi lực lượng nhân dân, các tổ chức đoàn thể quần chúng tham gia diệt chuột đạt hiệu quả cao; hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, bảo vệ năng suất và sản lượng các cây trồng. Đến nay, công tác làm đất được các đơn vị tích cực triển khai và đẩy nhanh tốc độ, toàn huyện đã cày 100% diện tích và bừa lần 1 được 96% diện tích. Huyện cũng chỉ đạo nhân dân ngâm ủ, gieo mạ đúng quy trình kỹ thuật, đúng thời vụ, toàn huyện gieo đủ mạ đảm bảo cấy 100% diện tích, hiện nay mạ lên 0,5-1 lá. Sau Tết Nguyên đán, huyện Kim Sơn phấn đấu cơ bản cấy xong trước 25-2.
Trong thời gian tới, huyện Kim Sơn tiếp tục chỉ đạo nhân dân tập trung làm đất, chăm sóc mạ, gieo cấy đúng lịch, đúng khung thời vụ, cấy đúng tuổi mạ, đúng mật độ, đảm bảo khóm theo quy trình kỹ thuật hướng dẫn và phù hợp với từng vùng đất, giống lúa. Sau khi gieo cấy, chỉ đạo các đơn vị, HTX nông nghiệp thực hiện điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm đảm bảo đủ nước theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Thực hiện bón theo phương châm "bón đúng, bón đủ, bón cân đối N.P.K" với phương thức bón: bón tập trung, kết thúc sớm, thực hiện "nặng đầu, nhẹ cuối" và tùy theo điều kiện thời tiết, khí hậu, chân đất, tình hình sinh trưởng của cây trồng để điều chỉnh phù hợp. áp dụng và thực hiện tốt chủ trương "3 giảm, 3 tăng". Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, làm tốt công tác dự tính, dự báo sâu bệnh, thông báo kịp thời các đối tượng sâu bệnh, dịch hại để nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả.
Hồng Giang