Ngày 5/4, trên địa bàn Kim Sơn xuất hiện ca bệnh đầu tiên, đó là anh N.M.T, công tác tại Ban chỉ huy quân sự Huyện Kim Sơn. Những ngày tiếp theo, mỗi ngày Kim Sơn lại có thêm 3-5 bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện và đến ngày 18/4, toàn huyện đã có 6 bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả. Riêng xã Lai Thành có tới 3 bệnh nhân, 3/6 người đã từng ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống tại quán Thành Chung ở Lai Thành.
Theo đánh giá của Trung tâm Y tế huyện, có ca bệnh vào viện trong tình trạng rất mệt mỏi, suy kiệt do tiêu chảy nhiều lần, dẫn tới mất nước cơ thể, song kết quả xét nghiệm là âm tính, nhưng cũng có trường hợp triệu chứng bệnh nhẹ, không điển hình nhưng lại cho kết quả dương tính. Vì vậy việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm là hết sức quan trọng, qua đó ngành Y tế mới làm tốt việc khoanh vùng, dập dịch.
Với phương châm giám sát chặt chẽ, khoanh vùng nhanh và điều trị kịp thời, không để dịch lan rộng, huyện Kim Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch tiêu chảy cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Tại Trung tâm Y tế huyện, khu điều trị bệnh nhân được đặt tại Khoa lây, gồm có 14 giường, trong đó có 1 phòng 4 giường dành cho bệnh nhân dương tính, 1 phòng dành cho bệnh nhân nghi ngờ. Các trang thiết bị, thuốc men, dịch truyền được chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng tốt yêu cầu. Trung tâm cũng đã chỉ đạo thành lập 4 đội cấp cứu lưu động (2 đội của Trung tâm, 2 đội của Phòng khám khu vực), mỗi đội phụ trách 5-7 xã, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tuy nhiên, với quan điểm chỉ đạo là điều trị tại chỗ, không để vi khuẩn tả phát tán rộng, phần lớn bệnh nhân đã được giữ lại điều trị tại y tế cơ sở, không có trường hợp nào tử vong.
Ngay khi trên địa bàn có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm (7/4), Ban Thường vụ Đảng ủy xã Lai Thành đã hội ý, bàn giải pháp khắc phục. Đến ngày 9/4, xã đã thành lập được BCĐ phòng, chống dịch tiêu chảy cấp, gồm có 16 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, các thành viên là trưởng các ngành, đoàn thể, hiệu trưởng các trường học trên địa bàn. Sáng 10/4, BCĐ đã tổ chức cuộc họp với các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm để thống nhất biện pháp thực hiện.
Đối với Trạm y tế - đơn vị tham mưu về chuyên môn cho BCĐ xã, ngay trong ngày 8/4 cũng đã họp, tập trung nhân lực cùng với cán bộ y tế dự phòng phát thuốc, phun hóa chất và hướng dẫn nhân dân làm vệ sinh môi trường; tổ chức tiếp nhận, điều trị kịp thời các ca bệnh. Phòng y tế huyện cũng đã cử 2 bác sĩ, giúp Lai Thành trong công tác điều trị.
Trung tâm y tế Kim Sơn đầu tư gần 1 tỷ đồng lắp đặt thiết bị xử lý nước thải bệnh viện
Với phương châm phòng là chính, chống phải tập trung, quyết liệt, BCĐ xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các thôn, xóm, đài truyền thanh xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn tái, sống, rửa tay trước khi ăn, giữ gìn nguồn nước, hạn chế ăn uống tập trung... 2 đội phòng, chống dịch cơ động, gồm những thanh niên xung kích cũng đã được thành lập, hỗ trợ cho các thôn, xóm làm tốt khâu tiêu độc, khử trùng. Những nơi tập trung đông người như trường học, trụ sở làm việc của các xã cũng được rắc vôi bột, phun hóa chất khử khuẩn. Đến ngày 11/4, công tác tiêu độc, khử trùng đã cơ bản hoàn thành.
Cùng với công tác xử lý ổ dịch, Trạm y tế xã đã có kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân. Ngoài 8 giường lưu tại trạm, xã còn chỉ đạo trưng dụng 2 trụ sở HTX làm nơi tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp xảy ra dịch lớn.
Đến nay tình hình dịch tiêu chảy cấp trên địa bàn xã đã lắng dịu. Song xã xác định nhiệm vụ chống dịch trong thời điểm này vẫn là quan trọng hàng đầu. Ngành Y tế tiếp tục làm tốt khâu giám sát dịch, phun hóa chất tại vùng trọng điểm như xóm 7a, 7b, xóm 13 định kỳ 3 ngày 1 lần. Những bệnh nhân dương tính phải đảm bảo 3 lần xét nghiệm âm tính mới trả về cộng đồng..., chính quyền địa phương chú trọng khâu tuyên truyền, vận động, nêu cao ý thức phòng bệnh trong nhân dân, lồng ghép chương trình tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm với phòng, chống dịch tiêu chảy cấp, phòng, chống dịch lợn tai xanh.
Bài, ảnh: Trang Nhung - Phạm Trường