Theo thống kê của UBND huyện Kim Sơn, tính đến 10 giờ ngày 9/1/2019, trên địa bàn huyện có 21 thôn, xóm có hiện tượng lợn bị lở mồm, long móng với tổng số 47 hộ, số lợn ốm là 846 con, số lợn chết phải tiêu hủy là 256 con; số lợn chữa khỏi triệu chứng là 493 con, số lợn còn mắc là 97 con, không có lợn bị mắc mới.
Đồng chí Trần Anh Khiêm, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết: Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, lãnh đạo UBND huyện Kim Sơn đã trực tiếp xuống địa bàn để nắm bắt và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, dập tắt ổ dịch, tránh lây lan.
Đồng thời, UBND huyện đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, triển khai xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh lở mồm, long móng trên đàn lợn.
Ngoài ra, UBND huyện cũng đã chỉ đạo xã Tân Thành thành lập 3 tổ xung kích gồm 15 thành viên chốt chặn 24/24 giờ ở trục đường chính của xã để tuyên truyền, vận động nhân dân không được buôn bán, vận chuyển gia súc nhiễm bệnh ra vào vùng dịch, nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh ra bên ngoài.
Nghiêm cấm việc giết mổ, tiêu thụ gia súc bị bệnh và sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc. Huyện Kim Sơn đã tiếp nhận 3.000 lít hóa chất RTD-Iodine, phân bổ cho các xã, thị trấn thực hiện khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, phòng chống dịch.
Đồng thời thực hiện tiêm phòng bao vây ổ dịch cho đàn gia súc trong khu vực có nguy cơ cao về dịch bệnh; giám sát nghiêm việc tiêu hủy lợn mắc bệnh, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, điều trị tích cực cho đàn lợn theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.
Đối với các địa phương khác trên địa bàn chưa có dịch lở mồm, long móng thì phải chủ động tăng cường công tác phòng dịch, giám sát chặt chẽ dịch bệnh gia súc để báo cáo và xử lý kịp thời nếu có dịch xảy ra...
Trao đổi với lãnh đạo xã Tân Thành, chúng tôi được biết, địa phương hiện có tổng đàn gia súc là 2.700 con, trong đó đàn lợn là 2.500 con. Tình trạng lợn mắc bệnh và chết có biểu hiện lâm sàng của bệnh lở mồm, long móng ở một số hộ chăn nuôi xuất hiện từ ngày 25/12/2018.
Đến ngày 28/12/2018, dịch lở mồm, long móng được cơ quan chức năng công bố tại xóm 4, xã Tân Thành. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, xã Tân Thành đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp kịp thời và hiệu quả.
Đồng chí Trịnh Minh Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Xã đã chỉ đạo cán bộ thú y xã trực tiếp nắm tình hình địa bàn, thống kê các hộ có lợn bị bệnh, khoanh vùng dịch, đồng thời phối hợp với ngành chức năng của huyện, của tỉnh triển khai đồng loạt các chiến dịch phòng trừ và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tiến hành cách ly số lợn nhiễm bệnh, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành việc tiêu độc khử trùng chuồng trại. Xã đã huy động lực lượng công an xã, dân quân tự vệ thành lập 3 chốt kiểm dịch, trên tuyến đường trục chính để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc ra - vào vùng dịch.
Ông Tạ Quang Mùi, Trưởng thú y xã Tân Thành cho biết: Hàng năm, các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đều thực hiện tốt việc tiêm phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi. Trước mỗi thời điểm tái đàn gia súc, xã cũng vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại như tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột, quây kín để giữ ấm cho đàn gia súc trong mùa rét.
Hầu hết các hộ chăn nuôi đã từng bước nâng cao ý thức về phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc. Vì vậy, nguyên nhân gây bệnh lần này khả năng là do xâm nhập từ vùng khác đến, thông qua các phương tiện vận chuyển gia súc mang mầm bệnh.
Theo thông báo chính thức của huyện Kim Sơn, dịch lở mồm, long móng trên đàn lợn tại địa phương đã được ngăn chặn. Toàn bộ số lợn mắc bệnh còn lại đã được chữa khỏi, lợn đã ăn uống bình thường; số lợn bị chết đã được tiêu hủy triệt để, đúng quy định của Luật Thú y, đảm bảo vệ sinh môi trường. Có thể thấy, sự sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo của huyện Kim Sơn đã góp phần quan trọng vào việc chặn đứng dịch lở mồm long móng trên địa bàn huyện.
Thái Học