Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM những năm qua ở xã Yên Lộc được coi là bước "sát hạch" năng lực lãnh đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức xã một cách khách quan và cụ thể. Với tổng số CBCC hiện có 21 người (trong đó có 10 cán bộ và 11 công chức), trình độ văn hóa: tốt nghiệp THPT chiếm 90%; trình độ chuyên môn: 18/21 đồng chí có trình độ trung cấp trở lên, đạt trên 85%.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, hầu hết CBCC xã đã phát huy tốt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện có hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, Yên Lộc đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới. Tuy điểm xuất phát thấp, nhưng bằng sự nỗ lực của cả cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong xã, cuối năm 2015, xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Tuy nhiên, theo đồng chí Phạm Văn Son, Chủ tịch UBND xã, bên cạnh kết quả đạt được thì CBCC xã Yên Lộc vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã quá nhiều, chưa tinh gọn, tạo nên một bộ máy cấp cơ sở cồng kềnh, người nhiều, việc ít, thụ động trong công việc; một số chế độ, chính sách cho cán bộ cấp xã chưa thỏa đáng dẫn đến CBCC chưa năng nổ, nhiệt tình.
Trong tổng số 21 cán bộ, công chức của xã vẫn còn 3 người chưa đạt chuẩn. Trước thực trạng đó, thời gian tới, xã cũng đề ra mục tiêu phải đạt chuẩn đội ngũ CBCC bằng việc cử cán bộ đi học các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ và phấn đấu đạt chuẩn trong thời gian sớm nhất.
Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Kim Sơn có gần 280 cán bộ và trên 270 công chức cấp xã. Nhờ sự quan tâm của tỉnh tạo điều kiện học tập, cùng với sự nỗ lực của mỗi cá nhân nên trình độ, năng lực của đội ngũ CBCC cấp xã ngày càng được nâng lên.
Huyện đã xây dựng được một đội ngũ CBCC cấp xã vững mạnh, có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Năng lực cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các xã, thị trấn ngày càng được phát huy.
Các đoàn thể thực hiện tốt vai trò giám sát của mình, đặc biệt là công tác giám sát các hoạt động của chính quyền cấp xã. Chế độ, chính sách đối với CBCC cấp xã ngày càng được ưu tiên, đời sống của CBCC ngày một nâng cao khi được chuyển xếp lương theo bằng cấp chuyên môn.
Hàng năm, đội ngũ này luôn được bồi dưỡng, đào tạo các lớp ngắn hạn, dài hạn do Sở Nội vụ và các cơ quan chuyên môn có liên quan tổ chức. Riêng năm 2015 đã tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng cho hàng trăm CBCC cấp xã, qua đó nâng cao trình độ năng lực, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Đặc biệt, tỷ lệ công chức cấp xã được tuyển dụng những năm gần đây có trình độ đại học trở lên khá cao, chiếm trên 70%.
Để có kết quả này, UBND huyện Kim Sơn đã thực hiện quy trình tuyển dụng ưu tiên trước đối với những người có trình độ đại học trở lên, bằng giỏi, hệ chính quy. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã luôn được huyện quan tâm. Đa số đã được tham gia các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học và các lớp nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng để phục vụ cho công tác chuyên môn. UBND huyện cũng thường xuyên phối hợp với Sở Nội vụ và liên kết với các ngành mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho cán bộ, công chức xã góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, qua thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã cũng bộc lộ một số hạn chế. Đó là vẫn còn một số CBCC khả năng vận dụng lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ vào thực tiễn công tác chưa hiệu quả, vì thế, trong quản lý, khi gặp những tình huống, vụ việc phức tạp thì chưa có phương án giải quyết tối ưu. Việc tham gia dự học các lớp bồi dưỡng chưa thật sự đầy đủ, nắm bắt kiến thức thiếu hệ thống đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực công tác...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã, thời gian tới, huyện Kim Sơn xác định tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp; phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban, cơ quan cấp huyện với đảng ủy các xã, thị trấn trong việc bồi dưỡng cán bộ, coi đây là sự đổi mới hình thức bồi dưỡng có hiệu quả.
Cùng với đó, xác định nội dung bồi dưỡng phải gắn với nhiệm vụ cụ thể của cán bộ cấp xã và bảo đảm đầy đủ các nghiệp vụ chuyên môn theo chức trách, nhiệm vụ của mỗi chức danh cán bộ cấp xã; chú trọng bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao trình độ, năng lực công tác cho cán bộ cấp xã; gắn bồi dưỡng cán bộ cấp xã với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp huyện; nâng cao trình độ cho đội ngũ CBCC nói chung, đáp ứng yêu cầu trong bố trí, sử dụng CBCC ở các cấp; thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ của huyện đi cơ sở để trực tiếp hướng dẫn cho đội ngũ CBCC cấp xã và đây được xác định là hình thức bồi dưỡng có hiệu quả thiết thực và sẽ được nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Mỹ Hạnh