Hùng Tiến là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Kim Sơn. Xác định nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương không thể dựa hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng chương trình giảm nghèo phù hợp với đặc điểm địa phương, trong đó tập trung triển khai việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thông qua các ngành nghề phi nông nghiệp. Với thuận lợi có nghề đan cói truyền thống, xã đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ hộ nghèo tham gia làm nghề như: hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tranh thủ phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện để mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật… Thông qua hoạt động của các đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…, nhiều hội viên nghèo đã được hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ vốn vay để theo nghề. Do đó, nghề đan cói truyền thống đã thu hút hơn 70% lao động trong xã tham gia làm nghề, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hàng năm của xã đạt gần 20 tỷ đồng. Cùng với nghề đan cói truyền thống, nghề làm bánh đa khô trên địa bàn tuy chưa thu hút nhiều lao động nhưng cũng là nghề góp phần giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo với thu nhập tương đối khá, khoảng 2-3 triệu đồng/người/tháng... Về Hùng Tiến bây giờ, bên cạnh sản xuất nông nghiệp là chủ lực, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, sự phát triển của các loại hình dịch vụ, buôn bán phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt... đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn dưới 12%.
ở xã bãi ngang Kim Tân, hoạt động giảm nghèo nơi đây được xác định tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp mới về địa phương nhằm nâng cao giá trị canh tác, thu nhập cho người dân. Nếu như nhiều năm trước, cuộc sống của người dân chủ yếu trông chờ vào 2 vụ lúa mà thu nhập bấp bênh thì bây giờ, nhiều gia đình đã có cuộc sống mới. Cấp ủy, chính quyền xã đã vận động người dân hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng cải tạo vườn đất, chuyển những diện tích trồng lúa hiệu quả kém sang trồng các loại hoa như: huệ, hồng... Đến nay trên địa bàn xã đã có gần 100 hộ tham gia trồng hoa với diện tích gần 40 ha, cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Các loại hoa hồng, hoa huệ... tuy mới được đưa vào trồng ở vùng đất này nhưng đã mở ra hướng làm giàu cho người nông dân nơi đây. Cùng với trồng hoa, mô hình nuôi con đặc sản cho giá trị kinh tế cao cũng được nhiều hộ dân trong xã đầu tư. Trong đó, mô hình nuôi ong lấy mật đã và đang phát triển mạnh ở nhiều gia đình, thu nhập từ nghề nuôi ong giúp nhiều gia đình thoát nghèo. ở Kim Tân hiện nay, những mô hình kinh tế mới đang dần được hình thành, tuy chưa nhiều nhưng bước đầu cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương là giải pháp đúng đắn trong phát triển kinh tế, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người dân. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 7%.
Qua điều tra, khảo sát của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, tính đến đầu năm 2013 trên địa bàn huyện Kim Sơn vẫn còn gần 5.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 10%. Trên cơ sở nắm bắt số hộ nghèo, phân tích thực trạng nghèo, nguyên nhân nghèo của từng hộ, mỗi địa phương đều có sự phân công trách nhiệm giúp đỡ hộ nghèo cho các thôn, xóm, tổ dân phố, các đoàn thể. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp giảm nghèo như: hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề, tập huấn kiến thức, giúp ngày công, con giống... huyện Kim Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung cao cho công tác giảm nghèo. Nhiều địa phương trong huyện đều xác định phải đổi mới công tác giảm nghèo, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tuyên truyền, vận động để người dân tham gia làm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, buôn bán nhằm giải quyết việc làm lúc nông nhàn. Thực hiện công tác giảm nghèo, trên địa bàn nhiều xã, thị trấn đã có nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao, qua đó góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 3,25% vào cuối năm 2013.
Bùi Diệu