Để cải thiện vấn đề môi trường nông thôn, những năm gần đây, huyện Kim Sơn đang tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải sinh hoạt, ô nhiễm nước thải... hướng tới một môi trường xanh, sạch, đẹp gắn với phát triển KT- XH bền vững.
Cách đây vài năm, xã Ân Hòa là một trong những xã gặp phải vấn nạn ô nhiễm rác thải sinh hoạt, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân. Nay Ân Hòa đã có những chuyển biến tích cực trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đào Trọng Hòe, Chủ tịch UBND xã Ân Hòa cho biết: Để đạt được kết quả đó, trước tiên xã đã tổ chức triển khai quán triệt trong các tổ chức Đảng, đoàn thể, chỉ đạo các thôn, xóm, trường học thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh môi trường có kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện gắn với việc khen thưởng hàng năm.
Trước mỗi vụ thu hoạch lúa, xã tổ chức tuyên truyền để nhân dân thu gom sản phẩm phụ, không để xảy ra tình trạng phụt rơm rạ xuống sông ngòi, gây ô nhiễm, ách tắc dòng chảy. Với những trường hợp cố tình vi phạm, xã đã xử lý phạt hành chính và yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu. Những hộ chăn nuôi có quy mô lớn, xã đã yêu cầu ký cam kết không xả bẩn và gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh, trong trường hợp vi phạm, bắt buộc phải xử lý nghiêm minh. Về vấn đề thu gom rác thải trong khu dân cư, xã đã vận động, khuyến khích nhân dân phân loại rác thải, rác thực vật hay động vật có thể phân hủy được thì đem chôn lấp, còn rác thải không phân hủy thì thu gom để đúng nơi quy định. Với khu vực phía Bắc sông Ân, đặc biệt là những xóm ven Quốc lộ 10, có những trường hợp đổ rác bừa bãi ra ven sông, gây ô nhiễm nguồn nước thì xã đã tổ chức họp dân, tuyên truyền nâng cao ý thức cho nhân dân và triển khai biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt.
Để đưa vấn đề thu gom rác thải và vệ sinh môi trường trở thành nề nếp sinh hoạt của người dân, xã đã hỗ trợ mỗi xóm 2 xe đẩy để thu gom rác, đồng thời để nhân dân tự chủ và tự thống nhất mức thu phí đối với mỗi hộ gia đình. Hiện nay, mỗi tuần, tổ thu gom rác thải sinh hoạt tổ chức thu gom 2 lần theo lịch của huyện và tập kết tại một số điểm cố định để xe rác của huyện chở đi xử lý tại thị xã Tam Điệp. Mỗi tuần các tổ đã thu gom được trên 10 tấn rác thải. Trong thời gian tới, xã Ân Hòa tiếp tục đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, phấn đấu 100% thôn, xóm có tổ thu gom rác thải sinh hoạt.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Tống Khánh Hải, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Những năm trước đây, tình trạng phổ biến là các hộ dân cư thu gom xử lý rác thải bằng cách chôn lấp tại gia đình, một số hộ ý thức kém đem rác thải sinh hoạt đổ ra kênh, mương, đầu đường, bụi cây hay một số hộ nằm tiếp giáp với Quốc lộ 10 và tỉnh lộ 481 đã đổ rác ra sông, gây ô nhiễm môi trường nước. Một bộ phận không nhỏ nhân dân trong các khu vực nông thôn không có điều kiện để xây dựng các công trình vệ sinh đảm bảo.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều loại hóa chất trong sản xuất nông nghiệp rồi vứt vỏ chai, vỏ bao bì ngay trên đồng ruộng cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết. Tất cả những yếu tố trên đã tác động không nhỏ đến môi trường, là nguyên nhân gây nên các dịch bệnh, làm giảm sức lao động của người dân và cộng đồng. Do đó vấn đề môi trường đang được huyện Kim Sơn quan tâm và tích cực triển khai nhiều biện pháp như: Xử lý một số kho thuốc bảo vệ thực vật trước đây; phát động các chương trình hành động làm sạch dòng sông Ân, chương trình nói không với túi nilon… Hiện nay, huyện đã quy hoạch và triển khai xây dựng bãi tập kết rác thải và xử lý rác thải có diện tích 5 ha.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Kim Sơn cũng đã xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể về vấn đề môi trường. Trong đó tập trung vào một số giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trong công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phải bố trí diện tích đất để chôn lấp rác, diện tích đất để tập kết rác, diện tích đất để làm cống rãnh thoát nước thải và xử lý nước thải; 100% các xã, thị trấn có quy hoach nơi tập kết và nơi xử lý rác có diện tích từ 500-1.000 m2... Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo về công tác vệ sinh môi trường, thành lập các tổ vệ sinh môi trường, hướng dẫn, vận động nhân dân phân loại rác tại nhà, khuyến khích tự xử lý rác thải không độc hại ngay tại gia đình hoặc khu dân cư. Đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào việc đánh giá khu dân cư thôn, xóm, phố và gia đình văn hóa.
Tăng cường kiểm tra, xử lý, giải quyết các đối tượng vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định. Lập danh sách các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi quy mô lớn hoặc sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng đến môi trường để thực hiện cam kết bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý. Mỗi xã, thị trấn phải quy hoạch, xây dựng ít nhất một điểm thu gom, phân loại và xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Hương Giang