LÚA ĐẶC SẢN KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ TRÊN ĐỒNG ĐẤT KIM SƠN
Mỗi vụ hàng năm, diện tích đất cấy lúa của huyện Kim Sơn là 8.200ha. Đồng đất Kim Sơn có 2 nhóm đất chính là đất phù sa và đất mặn, trong đó nhóm đất phù sa chiếm gần 65% tổng diện tích đất tự nhiên. Với hệ thống sông ngòi dày đặc, trong đó có 3 sông lớn là sông Càn, sông Đáy và sông Vạc, tạo nên lượng lắng đọng phù sa rất lớn. Bởi vậy, chất đất của huyện Kim Sơn rất phì nhiêu, màu mỡ, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp với cây lúa nước là chủ lực. Với bề dày thâm canh cây lúa lâu đời, nhiều giống lúa đặc sản đã được người dân huyện Kim Sơn lựa chọn gieo cấy trên những thửa ruộng quê hương. Tuy nhiên trước đây, việc gieo cấy lúa đặc sản chủ yếu mang tính tự phát trong các hộ dân, diện tích nhỏ.
Do vậy, phong trào canh tác lúa đặc sản tại huyện Kim Sơn trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm, dần bị mai một. Trong thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tích cực tham mưu cho UBND huyện Kim Sơn về chuyển đổi cơ cấu giống lúa, ưu tiên các giống lúa chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị.
Đặc biệt, từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp của tỉnh, cùng với nhiều chính sách khuyến khích khác như Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về "Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững", Nghị quyết số 02 của Huyện ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững... là tiền đề cho sự phát triển đột phá của kinh tế nông nghiệp huyện Kim Sơn, trong đó có việc mở rộng diện tích các giống lúa đặc sản.
Giống lúa đặc sản trên địa bàn huyện Kim Sơn bao gồm các giống: Nếp hạt cau, Tám xoan, Dự, Mộc hương. Đây đều là những giống phản ứng chặt với điều kiện ánh sáng ngắn nên chỉ gieo cấy được trong vụ mùa. Những giống lúa trên đều có chất lượng cơm thơm, dẻo, ngon, giàu dinh dưỡng.
Trong những năm qua, diện tích, năng suất, sản lượng lúa đặc sản thuộc trà mùa muộn không ngừng tăng lên. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thống kê huyện Kim Sơn: Năm 2016, diện tích giống lúa thuộc trà mùa muộn là 533ha, năng suất đạt 49 tạ/ha, sản lượng đạt 2.600 tấn. Năm 2017, diện tích là 957ha, năng suất 49 tạ/ha, sản lượng đạt 4.700 tấn.
Đến năm 2018 diện tích là gần 1.700ha, năng suất ước đạt 55 tạ/ha. Một số địa phương đã xác định giống lúa đặc sản là sản phẩm chủ lực, tích cực mở rộng diện tích gieo cấy lúa trà mùa muộn như: Hồi Ninh 215ha, Kim Định 313ha, Hùng Tiến 198ha, Như Hòa 183ha, Kim Tân 242ha.
Ông Nguyễn Quốc ái, Chủ tịch UBND xã Như Hòa cho biết: Trong tổng diện tích hơn 300ha đất trồng lúa, diện tích lúa chất lượng cao chiếm khoảng 70% mỗi vụ. Nhờ tập trung chỉ đạo, các giống lúa đặc sản được mở rộng diện tích sản xuất, điển hình là giống lúa nếp hạt cau với gần 100ha, các giống đặc sản khác là khoảng 90ha. Còn tại xã Đồng Hướng, sự mạnh dạn, năng nổ của các cán bộ HTX nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc hình thành vùng sản xuất tập trung giống lúa nếp hạt cau có diện tích gần 140ha.
Ông Nguyễn Viết ái, Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Hướng cho biết: Nhận thấy hiệu quả kinh tế vượt trội của giống lúa nếp hạt cau, HTX đã từng bước tuyên truyền, khuyến khích người dân mở rộng diện tích lúa nếp hạt cau.
Ngoài diện tích HTX đã gom vùng là 140ha, người dân trong xã tự gieo cấy thêm 60ha lúa nếp hạt cau, nâng diện tích lúa nếp hạt cau của xã Đồng Hướng lên 200ha, chiếm gần 60% tổng diện tích gieo cấy lúa vụ mùa. Theo nhận định của một số hộ dân trồng lúa, hiện nay nhu cầu tiêu dùng lúa chất lượng cao của thị trường ngày một tăng. Lúa chất lượng cao và lúa đặc sản đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều người dân.
Do vậy, thị trường tiêu thụ từng bước được mở rộng, việc tiêu thụ lúa gạo đặc sản khá thuận lợi. Các công ty cũng như thương lái thường đặt hàng trước khi nông dân thu hoạch, nhiều doanh nghiệp đã thu mua lúa tươi ngay tại ruộng.
Ông Nguyễn Văn Ki, xóm 9, xã Như Hòa cho biết: Gia đình tôi gieo cấy 9 sào lúa nếp hạt cau. Ngay từ đầu vụ, thương lái đã đến đặt hàng. Đến ngày bắt đầu thu hoạch lúa, họ đã mang xe thồ đến tận bờ ruộng đứng chờ.
Xét về hiệu quả kinh tế, giá trị sản phẩm lúa đặc sản là rất cao. Giá bán nhóm lúa nếp từ 13-15 nghìn đồng/kg, lúa Tám, lúa Dự dao động khoảng 20-22 nghìn đồng/kg, trong khi các giống lúa chất lượng khác chỉ dao động từ 6-8 nghìn đồng/kg. Chi phí sản xuất cho 1 ha lúa nếp đen vào khoảng 24 triệu đồng, cao hơn sản xuất lúa Bắc thơm số 7 khoảng 2,6 triệu đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận khi sản xuất lúa nếp đen cao hơn Bắc thơm số 7 khoảng 11 triệu đồng (lợi nhuận đạt 28,3 triệu đồng/ha). Như vậy, hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa đặc sản gấp khoảng 1,6 lần so với lúa thường.
ĐỂ SẢN XUẤT LÚA ĐẶC SẢN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Canh tác lúa đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao là điều đã được kiểm chứng qua thực tiễn sản xuất. Đồng ruộng, điều kiện thổ nhưỡng, cùng với kinh nghiệm gieo cấy lúa qua các năm của nông dân địa phương trong huyện cho phép huyện Kim Sơn có thể phát triển nhanh và mạnh dòng lúa đặc sản. Và thực tế là huyện Kim Sơn đã thành công bước đầu khi mở rộng diện tích lúa đặc sản lên gần 1.700 ha trong vụ Mùa năm 2018 vừa qua.
Tham quan vùng sản xuất giống lúa đặc sản nếp hạt cau tại xã Như Hòa, huyện Kim Sơn. Ảnh: Đức Lam
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất đã bộc lộ những khó khăn, thách thức. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết: Hầu hết các giống lúa đặc sản đang sử dụng trên địa bàn huyện hiện đã bị thoái hóa, năng suất và chất lượng gạo không ổn định.
Biện pháp kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, lạc hậu cũng là những nguyên nhân dẫn tới năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất thấp. Chất lượng vật tư đầu vào như hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... chưa được quản lý tốt; tình trạng kinh doanh vật tư chất lượng kém còn phổ biến; nông dân sử dụng vật tư trong sản xuất lúa còn lãng phí, đặc biệt là bón thừa phân đạm, lạm dụng các loại thuốc kích thích sinh trưởng và thuốc bảo vệ thực vật làm tăng chi phí, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Bên cạnh đó, việc sản xuất và tiêu thụ lúa đặc sản trong những năm qua còn nhiều hạn chế do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân trồng lúa với các đơn vị thu mua, chưa có quy hoạch cụ thể cho việc phát triển sản xuất lúa đặc sản, sự xen kẹt, đan xen giữa ruộng gieo cấy lúa cảm ôn với lúa cảm quang dẫn đến quy trình canh tác chưa đảm bảo và chưa đồng bộ từ việc gieo cấy đến chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và sơ chế thóc. Điều đó ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế và khả năng mở rộng diện tích. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo còn gặp nhiều rủi ro do bệnh dịch, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt...
Vậy giải pháp nào để phát triển lúa gạo đặc sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân? Thiết nghĩ, để phát triển sản phẩm lúa gạo đặc sản theo hướng bền vững, điều quan trọng nhất là phải tạo nên được mối liên kết giữa các hộ nông dân bằng cách tổ chức mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Trong đó, HTX đóng vai trò đại diện cho nông dân ký hợp đồng, liên kết với doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức các dịch vụ chung như cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ bảo vệ thực vật, sấy, bảo quản, tạm trữ, tìm đầu ra cho sản phẩm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng thu nhập cho từng hộ nông dân.
Qua đó góp phần ổn định diện tích sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh cơ giới hóa, tạo sức hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu từ các cánh đồng lớn sản xuất lúa, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Từ cánh đồng lớn, tiến tới vùng chuyên canh, sản xuất theo hướng hữu cơ với sản lượng lớn đồng đều, bảo đảm chất lượng, tăng giá trị hàng hóa và tăng thu nhập, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo đặc sản của tỉnh.
Được biết, trong năm 2018 vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng mô hình trồng lúa nếp cau tập trung với diện tích 20ha tại cánh đồng của xã Đồng Hướng. Ngoài việc hỗ trợ giống, phân bón, các hộ tham gia mô hình còn được cán bộ của Sở hỗ trợ về kỹ thuật gieo cấy, chăm bón lúa.
Qua mô hình nhằm thúc đẩy phong trào gieo cấy lúa đặc sản tại địa phương, đồng thời nghiên cứu, hoạch định phương hướng phát triển lâu dài giống nếp hạt cau. Và rất có thể chỉ trong tương lai gần, gạo nếp hạt cau sẽ được đề xuất và xây dựng một thương hiệu riêng, khẳng định rõ nét giá trị và chất lượng sản phẩm. Việc quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất chuyên canh lúa đặc sản cũng là trăn trở của nhiều HTX nông nghiệp tại huyện Kim Sơn.
Ông Nguyễn Thế Tào, Giám đốc HTX nông nghiệp Hồi Ninh cho biết: Xã Hồi Ninh có trên 200ha lúa đặc sản, ước tính sơ bộ giá trị kinh tế đạt hơn 65 triệu đồng trên 1 ha. Hiệu quả kinh tế cao là vậy, song việc gieo cấy các giống lúa đặc sản hiện tại vẫn mang tính tự phát của nhân dân, HTX chưa quy hoạch được vùng sản xuất tập trung.
Trong năm 2019 tới, HTX tập trung kiến nghị, đề xuất với UBND xã Hồi Ninh về việc quy hoạch vùng trồng lúa đặc sản, tạo thuận lợi cho việc canh tác, để bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng cần quan tâm đến công tác chọn lọc, phục tráng nhằm nâng cao chất lượng hạt giống lúa đặc sản, cung ứng giống cho người nông dân để đảm bảo năng suất và chất lượng. Giới thiệu và đưa các giống lúa đặc sản mới, chất lượng vào gieo cấy.
Với ưu thế vượt trội về hiệu quả kinh tế, lúa đặc sản đã và đang được người dân huyện Kim Sơn ưa chuộng, mở rộng diện tích gieo cấy. Tuy vậy, để việc sản xuất lúa đặc sản phát triển bền vững, đem lại nguồn thu nhập ngày một tăng cho người nông dân, còn rất nhiều bài toán giải pháp cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành, các cấp chính quyền và chính những người nông dân cùng chung sức, đồng lòng thực hiện.
Thái Học