Ổ dịch tả lợn châu Phi được xác định tại gia đình ông Trần Văn Sơn, xóm Khanh Hải, xã Văn Hải (huyện Kim Sơn). Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, gia đình ông Sơn có tổng đàn lợn là 32 con. Thời điểm 2 tuần trước khi xảy ra sự việc, gia đình ông Sơn đã mua thêm một số lợn giống để phát triển đàn. Tuy nhiên, số lợn này không rõ nguồn gốc và không có giấy tờ kiểm dịch.
Trong quá trình chăm sóc, gia đình ông phát hiện lợn có những biểu hiện khác thường như sốt cao, bỏ ăn, tiêu chảy. Đỉnh điểm là đến ngày 17/4, đã có 2 con trong đàn lợn bị chết. Lúc này, gia đình lập tức thông tin về sự việc trên với chính quyền địa phương.
Nhận được thông tin của gia đình ông Sơn xuất hiện lợn bị ốm, chết không rõ nguyên nhân, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã trực tiếp xuống kiểm tra xác minh. Tại thời điểm đó, tổng đàn có 32 con lợn thịt, trong đó: 2 con đã chết có trọng lượng 40kg/con; 8 con có triệu chứng tiêu chảy, sốt, bỏ ăn trọng lượng từ 35-40kg/con; còn lại 22 con khỏe mạnh, trọng lượng từ 12-65kg/con.
Sau khi tiến hành mổ khám 2 con lợn đã chết phát hiện dấu hiệu tình nghi là dịch tả lợn châu Phi, vì vậy lực lượng chức năng lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng I. Đồng thời tiến hành tiêu hủy 5 con lợn ốm, chết theo quy định.
Đến ngày 19/4, sau khi có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng I xác định mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện Kim Sơn đã ban hành quyết định số 1367 về việc công bố dịch tả lợn châu Phi tại một hộ chăn nuôi lợn ở xóm Khanh Hải, xã Văn Hải. Khoảng 14 giờ ngày 19/4, huyện Kim Sơn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cùng với lực lượng của UBND xã Văn Hải tiến hành tiêu hủy nốt 27 con lợn trong chuồng của gia đình ông Sơn đúng quy định của Luật Thú y.
Sau khi ban hành quyết định công bố dịch, huyện Kim Sơn đã chỉ đạo xã Văn Hải tạm dừng các hoạt động mua bán sản phẩm thịt lợn, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp cách ly, giám sát, khống chế, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời thành lập 3 chốt kiểm dịch tạm thời tại các đầu ngõ ra vào khu vực có dịch để ngăn chặn không cho vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch.
Tại điểm chốt số 1 của xã Văn Hải, ông Trần Văn Thịnh, Chốt trưởng cho biết: Quyết định thành lập các chốt kiểm dịch từ 15 giờ ngày 19/4. Mỗi ngày chúng tôi chia làm 2 ca trực. Mỗi điểm chốt có 7 đồng chí, gồm các lực lượng như cán bộ, công an, thú y xã luân phiên thay ca. Tất cả phương tiện di chuyển bị buộc phải dừng lại trước chốt, phun hóa chất khử trùng; nền đường rắc vôi bột và rơm tẩm hóa chất Vetvaco-Iodine.
Bên cạnh việc thành lập các chốt kiểm dịch, các phòng chuyên môn và các cơ quan, đơn vị liên quan của huyện Kim Sơn cũng phối hợp chặt chẽ với UBND xã Văn Hải khẩn trương thực hiện việc phòng, chống dịch theo quy định. Ngoài số lượng phục vụ công tác tiêu hủy ổ dịch, huyện Kim Sơn đã cấp phát thêm 200 lít hóa chất và 2 tấn vôi bột cho xã Văn Hải để thực hiện chống dịch trên địa bàn.
Xã Văn Hải cũng đã triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi của các gia đình lân cận. Các diễn biến về kết quả phòng, chống dịch thường xuyên được báo cáo về UBND huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời chỉ đạo.
Theo ông Đinh Văn Liêu, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kim Sơn: Trước đó, huyện Kim Sơn đã tiếp nhận hơn 4.600 lít hóa chất và cấp hỗ trợ 64 tấn vôi bột cho các xã, thị trấn để thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại. UBND huyện đã mua một máy phun động cơ và các dụng cụ lao động để chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Thành lập 8 chốt kiểm dịch tạm thời tại các xã, thị trấn có bến đò ngang giáp ranh với huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua chốt, hướng dẫn các phương tiện vận chuyển tránh đi qua vùng dịch khi trên địa bàn có bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Có thể thấy, huyện Kim Sơn đã triển khai nhanh và kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Địa phương có ổ dịch là xã Văn Hải cần quyết liệt hơn nữa, mạnh tay hơn nữa trong việc thực hiện nghiêm các yêu cầu, quy định của huyện Kim Sơn để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả tốt, nhất là việc tạm dừng hoàn toàn việc buôn bán thịt lợn trên địa bàn trong thời gian này.
Bài, ảnh: Thái Học