An toàn về tính mạng cho người dân là trên hết Xác định rõ việc đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân là trên hết, bên cạnh việc xây dựng phương án PCTT&TKCN, huyện Kim Sơn đã xây dựng riêng một phương án di dân vùng bãi bồi ven biển. Đồng chí Trần Anh Khiêm, Phó trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn cho biết: Phạm vi và số lượng người dân phải di rời về nơi an toàn được triển khai tùy theo từng cấp độ thiên tai xảy ra.
Cụ thể, trong trường hợp áp thấp nhiệt đới và bão có sức gió mạnh đến cấp 8, cấp 9 hoạt động trên biển Đông, vùng ven bờ, trên đất liền sẽ tổ chức di dân phía ngoài đê Bình Minh 3 vào phía trong đê. Trường hợp bão có sức gió mạnh đến cấp 10, cấp 11 sẽ tổ chức di dân toàn bộ khu vực ngoài đê Bình Minh 2 vào phía trong đê.
Các hộ có nhà không an toàn được chuyển đến nhà các hộ có nhà kiên cố liền kề, các hộ dân còn lại được chuyển đến các công sở kiến cố trong vùng như trụ sở UBND, nhà thờ, trạm y tế, trường học. Trường hợp bão có sức gió mạnh đến cấp 12, cấp 13 sẽ thực hiện mọi biện pháp để di dân triệt để từ phía ngoài đê Bình Minh 1 vào phía trong để tránh trú bão an toàn.
Theo đó, toàn bộ người dân xã Kim Đông sẽ di rời đến xã Cồn Thoi và được đưa vào các công trình kiên cố, xã Kim Trung sẽ di dân đến trụ sở UBND thị trấn Bình Minh, xã Kim Hải di dân đến trường trung học phổ thông Bình Minh.
Song song với công tác di dân của 3 xã ven biển (Kim Đông, Kim Trung và Kim Hải), khi xảy ra thiên tai, Đồn Biên phòng Kim Sơn sẽ phối hợp với Hải Đội 2, Bộ đôi Biên phòng tỉnh sẽ ngăn không cho tàu, thuyền ra khơi. Đồng thời thông tin, hướng dẫn người trên tàu, thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi an toàn để tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới, hướng dẫn các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền an toàn.
Theo thống kê của huyện Kim Sơn, từ khu vực đê Bình Minh 1 đến hết đê Bình Minh 3 có trên 4.400 hộ dân với hơn 15.000 nhân khẩu; khu vực từ đê Bình Minh 3 ra đến Cồn Nổi có 225 lao động trên 163 lều chòi; số lượng tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản được thống kê là 143 tàu thuyền với 397 thuyền viên.
Với số lượng người dân cần di rời khá lớn, yêu cầu di rời nhanh chóng, do đó huyện Kim Sơn xác định đề cao việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ).
Để đáp ứng kịp thời yêu cầu di dân, huyện Kim Sơn và 3 xã ven biển đã thực hiện ký kết hợp đồng với các phương tiện vận tải hành khách, sẵn sàng điều động trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, trong tình huống xảy ra bão cấp 12, cấp 13 sẽ có thêm 2 trực thăng vũ trang của quân đội tăng cường để thực hiện nhiệm vụ di dân.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Huyện Kim Sơn luôn coi công tác PCTT&TKCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được tổ chức thực hiện hàng năm. Do đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ chung.
Trước mùa mưa lũ, địa phương đã tổ chức thực tập thuần thục các phương án PCTT&TKCN khi có thiên tai xảy ra, nhất là tại các khu vực trọng điểm thuộc 5 tiểu khu. Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thiên tai, cũng như việc chấp hành các phương án PCTT&TKCN.
Các cấp chính quyền cùng các ngành chức năng địa phương cũng đã chỉ đạo và tổ chức kiểm tra các công trình ở những nơi xung yếu nhằm kịp thời phát hiện nguy cơ sạt lở đất, đá để tiến hành gia cố, khắc phục, đảm bảo an toàn trước khi xảy ra thiên tai.
Bên cạnh đó, địa phương đã chủ động đầu tư, nâng cấp một số công trình phòng chống thiên tai trọng điểm như: đê bao, đê cửa sông, công trình chống sạt lở bờ sông, nơi neo trú tàu thuyền; nâng cấp, tu sửa hệ thống thủy lợi để tăng khả năng tiêu thoát lũ có thể xảy ra.
Về phương án hậu cần tại chỗ, cấp cơ sở cũng đã sẵn sàng dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc men, lương thực và nước uống, đảm bảo không để nhân dân bị đói trong bão lũ và phòng chống được các dịch bệnh phát sinh.
Bên cạnh đó, huyện Kim Sơn cũng chủ động hiệp đồng với các đơn vị quân đội tăng cường và đứng chân trên địa bàn. Trung tá Ngô Xuân Nam, Phó chủ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Kim Sơn cho biết: Nhờ sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội được tăng cường, các ban, ngành của huyện và các địa phương đã tổ chức sơ tán, chằng, chống, gia cố các công trình, kho tàng, doanh trại, đê, kè, cống bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về kinh tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2017.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2018, Ban Chỉ huy quân sự huyện Kim Sơn chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện tiếp tục thực hiện ký hiệp đồng với Trường quân sự/Quân đoàn 1, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, đơn vị 1080/Quân đoàn 1, đơn vị 279/BTL Công binh và Đoàn 500/Cục hậu cần/Quân khu 3; tăng cường hơn 400 chiến sĩ, sẵn sàng và kịp thời tiếp việc cho lực lượng địa phương thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN tại địa bàn huyện Kim Sơn.
Đây là sự bổ sung lực lượng cần thiết và chất lượng, giúp địa phương thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN, góp phần đảm bảo an toàn tối đa cho nhân dân trước hệ quả của thiên tai gây ra.
Thái Học