Đồng chí Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Từ ngày 7 đến 18-2 (tức 30 Tết), các hộ nông dân đã xuống đồng cấy được 7.535 ha lúa, đạt 95% diện tích. Sau thời gian nghỉ Tết cổ truyền, đến ngày 24-2 (tức mùng 6 Tết), toàn huyện đã cấy xong toàn bộ diện tích là 8.350 ha, phấn đấu năng suất bình quân đạt 67 tạ/ha. Thực hiện kế hoạch đã đề ra, toàn bộ diện tích được cấy trong trà xuân muộn với cả hai giống lúa thuần và lúa lai. Trong đó, giống lúa thuần, lúa chất lượng cao chiếm khoảng 65% diện tích với các loại giống như: Bắc Thơm số 7, LT2, Nếp 97... Đây là giống lúa hàng hóa có chất lượng và giá thành cao, nhằm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu dùng tại địa phương. Giống lúa lai, lúa cao sản chiếm 35% diện tích với các loại giống chủ yếu là: Phú ưu 1, Nhị ưu 838... Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích người dân sản xuất thử một số giống mới như: TBR224, Vân Quang 14, Thuần Việt 1, GS333... Tuy nhiên, do là giống thử nghiệm, nên mỗi vùng chỉ trồng từ 1-2 giống để thuận lợi cho việc chăm sóc, đúc kết kinh nghiệm cũng như hiệu quả của các giống lúa.
Vụ đông-xuân 2015, Kim Sơn tiếp tục thực hiện phương châm "lấy nước làm áo", do vậy, các HTX nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện trong việc điều tiết nước, tận dụng tối đa nguồn nước ngọt để đổ ải, làm đất và chăm bón lúa đông xuân. Trong trường hợp không lợi dụng được thủy triều, các HTX chủ động bơm nước vào đồng ruộng và duy trì mực nước ổn định để giữ ấm cho lúa. Do một số xã thực hiện dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, đào đắp kênh mương nên rất thuận lợi cho việc điều tiết nước, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cũng như áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Đến thời điểm này, trên những cánh đồng ở huyện Kim Sơn, mạ non đang bén rễ, hồi xanh, các hộ nông dân đang tập trung làm cỏ và bón thúc cho lúa.
Đồng chí Trần Văn Công cũng chia sẻ thêm: Thời tiết vụ đông-xuân trong những năm gần đây thường rét đậm, rét hại đầu vụ, thêm vào đó là nước ngập mặn xâm nhập sâu, đồng thời sâu bệnh gây hại ngày càng đa dạng, phức tạp gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp đôn đốc, hướng dẫn bà con thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật. Toàn huyện để ải 100% diện tích, thực hiện cày ải sau đó để ải nỏ, làm đất phải cày bừa kỹ, nhuyễn phẳng và sạch cỏ dại. Sau đó, thực hiện gieo mạ đúng lịch, đúng giống, áp dụng biện pháp gieo mạ nền, che phủ nilon đề phòng rét đậm, rét hại làm mạ chết. Sau khi cấy, phải thực hiện bón phân đảm bảo quy trình kỹ thuật, đồng thời đẩy mạnh công tác làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy... Rút kinh nghiệm từ những vụ trước nên công tác chuẩn bị trong vụ đông xuân 2015 được chủ động, hợp lý.
Chúng tôi tìm đến những cánh đồng ở Kim Sơn, những cây mạ đã hồi xanh và đang dần phát triển. Vụ này, gia đình bà Nguyễn Thị Nhị, xóm 7A, xã Kim Chính cấy 8 sào ruộng với giống lúa Bắc Thơm 7, hiện bà đang cấy dặm lại vì những chỗ mạ yếu đã chết. Bà Nhị cho biết: Gia đình chủ động cấy sớm, đến ngày 28 Tết đã cấy xong, mỗi sào bà bón 3 kg phân NPK. Như vụ trước cho năng suất đạt 2,5 tạ/sào, tôi cũng hy vọng vụ này đạt được năng suất đó. Khi gặp chúng tôi, ông Phạm Văn Trinh, xóm 7, xã Đồng Hướng đã hoàn thành việc phun thuốc trừ sâu. Ông Trinh cho biết: Vụ xuân năm nay gia đình cấy xong từ 29 Tết với diện tích hơn 6 sào ruộng. Do thời tiết thuận lợi nên mạ sinh trưởng và phát triển tốt. Năm trước gia đình gieo cấy giống lúa Bắc Thơm 7, năng suất đạt từ 1,8 - 2 tạ/sào. Gia đình chọn giống lúa này vì cho giá trị kinh tế cao. Với Bắc Thơm 7, mỗi tạ bán được khoảng 800.000 đồng, còn giống Tạp giao chỉ khoảng 700.000 đồng.
Như vậy, tính đến thời điểm này, Kim Sơn đã hoàn thành gieo cấy vụ đông - xuân 2015. Phát huy thuận lợi của vùng đất màu mỡ được phù sa bồi tụ, với những kinh nghiệm làm nông nghiệp lâu đời, nông dân huyện Kim Sơn luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó với thời tiết, dịch bệnh, phấn đấu giành vụ đông-xuân thắng lợi.
Thái Học