Nhiều năm trở lại đây, do mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại phát triển mạnh trên địa bàn huyện, nên số lượng gia súc, gia cầm tăng cao. Đồng chí Đinh Văn Liêu, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Kim Sơn cho biết: Cuối năm, lượng tiêu thụ gia súc, gia cầm tăng cao nên Trạm thú y huyện đã đề ra kế hoạch cụ thể cho đợt tiêm phòng thu đông. Trong đó, chỉ tiêu tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm là 555.000 liều; vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò là 1.950 liều; vắc-xin tiêm phòng cho lợn (dịch tả lợn, phó thương hàn, tụ dấu lợn) là 50.000 liều.
Theo kết quả đánh giá khi kết thúc đợt tiêm phòng vào ngày 26-10, nhìn chung đợt tiêm phòng vụ thu đông này tại địa bàn huyện Kim Sơn đạt kết quả tốt. Toàn huyện đã cấp 627.000 liều vắc-xin, tiêm phòng cúm gia cầm cho 307.515 con vịt trên 35 ngày tuổi. 23/26 đơn vị triển khai tiêm phòng cho đàn trâu, bò, tiêm được 1.330 liều, đạt 68% kế hoạch. Tiêm phòng 22.210 liều cho đàn lợn, đạt 44% kế hoạch.
Tuy nhiên, một số địa phương có tỷ lệ tiêm thấp, dưới 50% kế hoạch, nhất là trong việc tiêm phòng cho đàn lợn và trâu bò, như: Lai Thành, Lưu Phương... Về vấn đề trên, đồng chí Đinh Văn Liêu lý giải: Do hỗ trợ vắc-xin dịch tả lợn của tỉnh đã dừng lại nên người dân phải chủ động việc mua và tiêm thuốc cho vật nuôi.
Chính vì vậy, một bộ phận người dân lơ là, chủ quan không thực hiện tiêm phòng. Bên cạnh đó cũng phải kể đến năng lực công tác của cán bộ thú y cấp xã một số địa phương còn hạn chế, chưa cố gắng vận động và thuyết phục người dân thực hiện.
Đối với trâu bò, do đặc điểm sinh học, thời gian con cái chửa kéo dài quanh năm, nên một số người dân "ngại" tiêm phòng, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi.
Mấy năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Kim Sơn chưa xuất hiện dịch bệnh nghiêm trọng. Chỉ có năm 2011, gia cầm của 2 hộ tại xã Yên Lộc được phát hiện mắc cúm H5N1 do nguyên nhân dùng chung nguồn nước với huyện Yên Mô - lúc đó có xuất hiện bệnh - nên Trạm Thú y huyện đã đề nghị tiêu hủy đàn gia cầm bị bệnh ngay, không gây lây nhiễm. Có lẽ chính bởi "lâu rồi chưa có dịch bệnh" nên một bộ phận người dân chủ quan.
Bên cạnh những địa phương thực hiện chưa đạt, cũng có những địa phương triển khai tốt, trong đó có xã Quang Thiện và Kim Chính. Xã Quang Thiện có số lượng gia cầm khá nhiều. Đồng chí Trần Tuấn Kha, cán bộ thú y xã Quang Thiện cho biết: Nhiều năm qua, xã Quang Thiện đã quan tâm thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
Xã đã tập trung công tác tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc tiêm phòng, triển khai và cử cán bộ hướng dẫn cụ thể đối với những hộ tự tiêm cho vật nuôi. Ngoài hỗ trợ của cấp trên, các hộ gia đình chăn nuôi tự giác mua thuốc, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm.
Chị Nguyễn Thị Láng, một hộ chăn nuôi lợn tại xã Kim Chính cho biết: Trước đây, có thời điểm gia đình tôi nuôi 7 con lợn nái, hàng chục con lợn con. Ngày ấy do không thực hiện tiêm phòng tốt nên lợn bị bệnh, chết hết. Từ đó trở đi, gia đình tôi chú trọng tiêm phòng cẩn thận.
Năm nay 4 con lợn nái, 5 con lợn con của gia đình tôi đã được tiêm phòng dịch tả, phó thương hàn đầy đủ, hiện nay lợn khỏe mạnh và sinh trưởng tốt. Qua đó đã cho thấy việc tiêm phòng cho vật nuôi là cần thiết. Các cán bộ thú y xã rất nhiệt tình, tuyên truyền, động viên và hướng dẫn cụ thể.
Tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm là thiết yếu. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, lượng tiêu thụ thực phẩm từ gia súc, gia cầm rất lớn. Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, trong thời gian tới, các địa phương của huyện Kim Sơn có tỷ lệ tiêm phòng còn thấp cần nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi nhằm đạt tỷ lệ tiêm phòng quy định.
Thái Học