Đến thời điểm này, huyện Kim Sơn đã cơ bản hoàn thành việc thu hoạch lúa đông xuân. Theo đánh giá của huyện, lúa đông xuân năm nay có chất lượng tốt, năng suất ổn định. Theo đó, vụ đông xuân năm nay tiếp tục là vụ sản xuất thắng lợi của huyện.
Trên cánh đồng thuộc xã Hùng Tiến, bà Phạm Thị Hường (xóm 7) đang chất từng bao tải thóc lên xe thồ. Ngay bên bờ ruộng, chiếc máy gặt đang chờ tiếp nhiên liệu. Chủ của chiếc máy gặt này chạy từ miền Trung ra đây để gặt thuê.
Với thửa ruộng rộng gần 5 sào của gia đình bà Hường, chiếc máy gặt chỉ mất vài giờ đồng hồ để thu hoạch lúa, người dân chỉ phải đổ thóc vào từng bao, để trên bờ ruộng, chuyển số thóc đó lên xe rồi chở về nhà.
Theo bà Hường, lúa năm nay đẹp, hạt to và mẩy. Dù đầu tháng 6 trời có mưa giông, song diện tích lúa của gia đình không bị đổ nên máy gặt thu hoạch rất thuận lợi. Giống Nếp 97 mà gia đình gieo cấy là giống lúa cho giá trị cao, năng suất ước chừng 1,2 - 1,5 tạ/sào.
Đầu vụ, gia đình bà Hường phải cấy lại do mạ chết nên cuối vụ, lúa chín muộn hơn nơi khác vài ngày. Ngoài khó khăn về thời tiết đầu vụ, nhìn chung, thời tiết vụ đông xuân năm nay khá thuận lợi. Nhất là giai đoạn lúa vào thì "con gái" chuẩn bị trỗ đòng.
Đến thăm một số gia đình nông dân ở xã Kim Tân, chúng tôi nhận thấy màu vàng óng của những sân phơi đầy thóc, những cọng rơm với mùi thơm đặc trưng hòa trong nắng vàng tạo nên một khung cảnh rất bình dị.
Ông Lê Văn Hiện (xóm 7) đang mải miết dùng chiếc bờ cào đảo đi đảo lại lứa thóc đang phơi. Mặc cho những giọt mồ hôi lăn dài trên má, ông tươi cười nói: Tranh thủ những ngày trời nắng, gia đình tôi phơi lấy 2 đợt rồi còn cho thóc vào bao cất đi.
Ông Hiện cho biết thêm: Gia đình tôi cấy 7 sào lúa Bắc thơm 7, năng suất được gần 2 tạ/sào, tương đương với vụ đông xuân năm ngoái. Song năm nay, lúa đẹp hơn nhiều, hạt to và rất chắc. Do thiếu nhân lực nên một nửa diện tích tôi thuê gặt máy, nửa còn lại, gia đình tranh thủ gặt tay để giảm chi phí.
Điều mà ông Hiện đang băn khoăn hiện nay đó chính là giá lúa thời điểm hiện tại không cao, chỉ dao động khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg. Thời điểm chưa vào vụ thu hoạch, giá lúa khoảng 9.000 đồng/kg.
Dù vậy, ông bàn tính với vợ, vẫn phải bán trước vài tạ thóc để lấy tiền chi tiêu trong gia đình, mà việc đầu tiên, đó là ăn mừng cho vụ lúa thắng lợi, bõ công những ngày vất vả.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn vụ đông xuân 2015 - 2016, toàn huyện gieo cấy trên 8.200 ha. Trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 67,5% tổng diện tích.
Trên địa bàn huyện, một số địa phương gặt sớm (từ ngày 12-6), do thời tiết có mưa giông khiến một diện tích nhỏ lúa bị đổ. Với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng", các HTX đã vận động xã viên thu hoạch sớm, bảo vệ sản xuất. Những diện tích lúa không bị ảnh hưởng, nông dân tập trung thu hoạch rộ từ ngày 16-6.
Đến nay, huyện Kim Sơn đã cơ bản thu hoạch xong năng suất bình quân toàn huyện ước đạt 67,8 tạ/ha, sản lượng 55.867 tấn.
Trong đó, giống lúa lai ước đạt 72,61 tạ/ha, sản lượng 8.864 tấn. Giống lúa thuần ước đạt 66,7 tạ/ha, sản lượng trên 47.000 tấn. Các HTX đã chủ động thống kê máy móc phục vụ thu hoạch lúa, song máy gặt thuê từ các tỉnh khác đến khá nhiều, giá thành dao động khoảng 100 - 120 nghìn đồng/sào, tùy thuộc vào địa hình đồng ruộng.
Đánh giá về thời tiết, tình hình sâu bệnh vụ lúa này, cán bộ Trạm BVTV huyện Kim Sơn cho biết: Thời tiết vụ đông xuân năm nay thuận lợi cho sản xuất lúa.
Trong quá trình sinh trưởng của cây lúa, sâu bệnh ít hơn vụ năm ngoái. Một số loại sâu "quen thuộc" như sâu cuốn lá, sâu đục thân tuy có xuất hiện, song chỉ trên diện tích nhỏ, được nông dân phun phòng trừ kịp thời nên không lan rộng.
Tuy nhiên, cuối vụ xuất hiện tình trạng rầy nâu phát triển mạnh trên một số xứ đồng. Nguyên nhân là do người nông dân không tuân thủ đúng theo quy trình, cách thức phun thuốc phòng trừ bệnh. Ghi nhận tại một số xứ đồng, những diện tích lúa người nông dân bón quá nhiều đạm cũng xuất hiện tình trạng rầy nâu phát triển mạnh.
Thái Học