Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh
Kim Sơn có tổng diện tích nuôi thủy sản là 3.733 ha, từ vùng đê biển Bình Minh 1 đến đê Bình Minh 3, vùng Cồn Nổi và vùng khai thác thủy sản tự nhiên ngoài đê Bình Minh 3, thời gian qua, huyện Kim Sơn đã tập trung chỉ đạo quản lý công tác nuôi trồng thủy hải sản vùng bãi bồi theo hướng bền vững. Tích cực tuyên truyền, giáo dục cho các hộ sản xuất, nuôi trồng thủy sản về lợi ích của việc xây dựng, tu sửa ao nuôi và hệ thống kênh mương. Huyện đã hướng dẫn các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản các biện pháp cải tạo ao đầm và kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc, phòng trị bệnh cho thủy, hải sản. Công tác điều hành nước phục vụ nuôi trồng thủy sản được quan tâm chỉ đạo, nhất là vùng từ đê Bình Minh 1 đến đê Bình Minh 2.
Hàng tháng, tổ chức giao ban giữa đội khai thác công trình thủy lợi và các xã, các đơn vị có diện tích nuôi trồng thủy sản để có biện pháp điều tiết nước phù hợp theo từng thời điểm, từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của con nuôi. Trước khi lấy nước đã tiến hành kiểm tra chất lượng nước như: độ mặn, hàm lượng các khí độc, các kim loại nặng trong nước… nên chất lượng nước cơ bản đã đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trong quá trình phát triển nuôi trồng thủy sản vùng bãi bồi, công tác quản lý sản xuất, dịch vụ giống thủy sản đã được huyện chú trọng.
UBND huyện đã thành lập Đoàn công tác liên ngành phối hợp với Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh tăng cường kiểm tra chất lượng tôm sú giống. Đồng thời tiến hành tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện các lô hàng tôm sú giống chưa có giấy chứng nhận, kiên quyết không cho thâm nhập vào địa bàn nuôi thả. Bên cạnh đó, công tác quản lý, vệ sinh môi trường nuôi và phòng, chống dịch bệnh cũng đã được đa số người nuôi chú trọng. Sự phối hợp giữa người nuôi với đơn vị sản xuất và các ngành chức năng đã gắn kết thường xuyên hơn. Năm 2010, ngành chức năng đã tiến hành phân tích 2.950 mẫu nước, kiểm tra môi trường vùng nuôi, phát hiện những biến động xấu của môi trường để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ dịch bệnh. Song song với đó, Kim Sơn đã tiến hành xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. Đã có một số mô hình cho kết quả khả quan như: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng; mô hình nuôi cá mú; mô hình tổ nuôi tôm cộng đồng. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 7 tổ nuôi tôm cộng đồng ở các xã Kim Trung và Kim Đông với tổng số 125 hộ tham gia.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ, Kim Sơn đã thu được nhiều kết quả khả quan trong lĩnh vực nuôi thủy sản ở vùng bãi bồi.
Năm 2010, huyện Kim Sơn được mùa thu hoạch thủy, hải sản với tổng sản lượng đạt 10.750 tấn, vượt mục tiêu kế hoạch và tăng 554 tấn so với năm 2009. Trong đó, sản lượng vùng bãi bồi ven biển đạt 3.310 tấn, gồm: tôm sú 500 tấn, tôm rảo 230 tấn; cua biển 350 tấn, ngao 1.700 tấn, hải sản khác đạt 530 tấn. Kim Trung đã nuôi thả thành công mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng với diện tích 5 ha, năng suất đạt 4 tấn /ha.
Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững
Kết quả tích cực trong nuôi trồng thủy sản năm 2010 và những năm qua đã là tiền đề quan trọng để Kim Sơn tiếp tục phát triển kinh tế vùng bãi bồi trong tương lai. Theo đó, Kim Sơn đã xây dựng chiến lược phát triển kinh tế vùng bãi bồi, nâng cao hiệu quả phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Để đạt được mục tiêu, huyện tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu đa dạng, hiện đại, tạo tốc độ phát triển nhanh, bền vững. Kết hợp phát triển vùng biển, vùng ven biển với phát triển vùng nội địa theo hướng CNH -HĐH.
Trong năm 2011, toàn huyện phấn đấu đạt tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 3.278 ha, trong đó vùng khai thác hải sản tự nhiên đạt 1.000 ha. Tổng sản lượng thủy hải sản của vùng bãi bồi phấn đấu đạt 4.000 tấn, trong đó: tôm sú 500 tấn, tôm rảo 350 tấn, cua biển 350 tấn, ngao 1.500 tấn, cá và các loại hải sản khác đạt 1.000 tấn.
Theo đó, nhiều giải pháp đã được đề ra, đó là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật của Chính phủ về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần đem lại hiệu quả ngày càng cao đối với phát triển kinh tế vùng biển. Tăng cường công tác quản lý dịch vụ giống tôm sú, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất, kinh doanh làm dịch vụ giống tôm sú có chất lượng. Quản lý chặt chẽ môi trường nuôi và dịch bệnh. Thường xuyên kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán thức ăn, thuốc thú y thủy sản, thu mua, vận chuyển tôm thương phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, Kim Sơn đã và đang tập trung hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế biển từ thị trấn Bình Minh tới Cồn Mờ, Cồn Nổi, trên cơ sở đó, huyện tiến hành các quy hoạch chi tiết, trước hết là quy hoạch các tiểu vùng nuôi trồng thủy sản từ hệ thống đường giao thông, hệ thống điện đến quy hoạch chi tiết sử dụng đất. Đồng thời xây dựng các dự án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ môi trường.
Khuyến khích đầu tư thúc đẩy các dự án, các phương tiện tàu thuyền đánh bắt, khai thác thủy hải sản xa bờ nhằm phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Cùng với đó, Kim Sơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh thi công các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước mắt là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy hải sản theo hướng công nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản. Tăng cường các hoạt động khuyến lâm, khuyến ngư, có chính sách khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo đảm phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững.
Mai Lan