Để thực hiện việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, trong nhiều năm qua, Kim Sơn đã kiên trì và tập trung quyết liệt cho việc dồn điền, đổi thửa, gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Hiện nay, các xã đã cơ bản giao đất tại thực địa cho nhân dân, bình quân giảm từ 2-4 thửa/hộ xuống còn 1-2 thửa/hộ với diện tích bình quân một thửa là 1.766m2.
Thành công này đã tạo tiền đề quan trọng để Kim Sơn đẩy mạnh cơ giới hóa vào khâu cấy, tiết kiệm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động cho nông dân, tiến tới hoàn thiện cơ giới hóa toàn bộ các khâu từ sản xuất đến thu hoạch.
Đặc biệt, để đẩy mạnh cơ giới hóa khâu cấy, ngày 28-1-2016, UBND huyện Kim Sơn đã ban hành Đề án số 01 về việc "Hỗ trợ máy cấy không dùng nhiên liệu" phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đây là loại máy có trọng lượng nhỏ, chỉ nặng khoảng 23- 26kg nên dễ dàng vận chuyển, năng suất lao động gấp 7 - 10 lần so với cấy bằng tay, giá thành thấp (6,5 triệu đồng/máy cấy), phù hợp với nguồn tài chính của bà con nông dân. Đặc biệt, máy không dùng nhiên liệu nên ít tốn kém và thân thiện với môi trường.
Theo Đề án 01, trong năm 2016, Kim Sơn thực hiện hỗ trợ máy cấy cho 29/29 HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện. Trên cơ sở hỗ trợ của huyện, vào đầu mỗi vụ sản xuất, các HTX tiến hành xây dựng các điểm trình diễn cấy thử nghiệm để cho các hộ nông dân tham quan, học tập, đánh giá những ưu, nhược điểm của việc sử dụng máy cấy không dùng nhiên liệu để nhân ra diện rộng.
Như vậy, mục tiêu xa hơn của Đề án 01 là từng bước thực hiện cơ giới hóa trong khâu cấy lúa, dần thay thế tập quán cấy bằng tay truyền thống, giải phóng sức người, nâng cao năng suất lao động.
Việc ban hành Đề án 01 được xem là tin vui đối với nhiều nông dân trên địa bàn huyện Kim Sơn. Ông Trần Văn Báu ở xóm 7, xã Đồng Hướng cho biết: Người nông dân từ trước đến nay vẫn quen với việc cấy lúa truyền thống bằng tay, năng suất lao động thấp, bình quân một người chỉ cấy được 1 sào/ngày, dẫn đến thời gian gieo cấy kéo dài.
Trong khi đó, hiện nay lực lượng lao động trẻ không còn mặn mà với nông nghiệp mà đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp, chính vì thế có nhiều hộ gia đình thiếu lao động, phải thuê người cấy, hoặc cho người khác thuê lại ruộng. Gia đình tôi cũng là một trong những trường hợp như vậy.
Trước đây với 1 mẫu ruộng cấy bằng tay, gia đình phải mất 10 công cấy, giờ đưa máy cấy không dùng nhiên liệu xuống đồng, chúng tôi đã giảm được chi phí nhân công xuống còn 1 -2 công/1mẫu.
Đặc biệt, từ khi xã Đồng Hướng thực hiện dồn điền, đổi thửa, gia đình tôi đã được dồn đổi từ 3 thửa xuống còn 1 thửa, rất thuận tiện cho việc cấy hái, chăm sóc và thu hoạch. Cơ giới hóa nông nghiệp đã đem lại lợi ích nhiều mặt cho nông dân, chúng tôi rất yên tâm, phấn khởi.
Cũng với mục tiêu đưa cơ giới vào sản xuất, Kim Sơn tập trung chuyển giao kỹ thuật, đầu tư thâm canh; tăng cường quản lý chất lượng giống, vật tư, phân bón, đảm bảo an toàn phục vụ sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường chuyển những diện tích cây trồng giá trị thấp sang trồng những cây có giá trị cao.
Cùng với đó, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp lúc mùa vụ và nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhờ cách làm này mà đến nay, toàn huyện đã có 738 máy làm đất lớn, nhỏ, đảm nhiệm 100% khâu làm đất của địa phương; gần 484 máy bơm, 86 máy gặt.
Thực hiện đưa cơ giới vào sản xuất ở Kim Sơn đã từng bước khai thác những tiềm năng, lợi thế, phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân. Năng suất lúa liên tục tăng qua các năm, hiện nay diện tích lúa ở Kim Sơn duy trì và ổn định ở mức khoảng 16.500 ha/năm; năng suất bình quân đạt trên 60 tạ/ha, sản lượng đạt trên 100.000 tấn/năm. Thu nhập của người nông dân tăng cao, bộ mặt nông thôn được cải thiện rõ rệt.
Mai Lan