Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Kim Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề thực hiện thành công 19 tiêu chí nông thôn mới theo kế hoạch. Toàn huyện có 25/25 xã đã phê duyệt quy hoạch chung, đề án xây dựng nông thôn mới và triển khai thực hiện công bố, công khai quy hoạch, cắm mốc giới quy hoạch ngoài thực địa; 6 xã điểm đã hoàn thành và được UBND huyện phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất. Xác định hệ thống kết cấu hạ tầng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung nguồn lực, huy động nhân dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Qua công tác tuyên truyền, vận động, việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn được các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm, tích cực hiến đất, đóng góp sức người, sức của. Toàn huyện đã có 2.293 hộ tự nguyện hiến 60.238 m2 đất, chặt cây, phá cổng, dỡ tường rào để xây dựng và mở rộng các công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa..., tổng giá trị ước đạt 32,7 tỷ đồng. Sau 3 năm thực hiện Chương trình, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh. Các địa phương trong huyện đã cải tạo, nâng cấp trên 151 km kênh mương; xây dựng mới 1 nhà văn hóa xã; 34 nhà văn hóa thôn, xóm; xây dựng và nâng cấp 32 công trình trường học; lắp đặt mới 50 trạm biến áp, làm mới 100 km đường dây điện hạ thế; xây dựng mới 1 chợ nông thôn đạt chuẩn; đầu tư xây mới và nâng cấp trạm Y tế các xã. Về đường giao thông nông thôn, đã đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa trên 43 km đường trục xã; các xã tiếp nhận trên 9.000 tấn xi măng, đổ bê tông làm mới và nâng cấp trên 93 km đường giao thông thôn; làm mới và nâng cấp gần 6 km đường ngõ xóm và hơn 13 km đường trục chính nội đồng.
Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Kim Sơn đã tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển ngành nghề, đẩy mạnh chăn nuôi và chỉ đạo các cấp, các ngành phối kết hợp thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án trên địa bàn phục vụ xây dựng nông thôn mới như: Đề án đào tạo nghề, các chương trình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, đề án hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất cây dược liệu, đề án xây dựng mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa hàng hóa tại 6 xã điểm và xã Ân Hòa, các dự án khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phát triển mạnh các mô hình trang trại, gia trại có hiệu quả.
Do đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, năm 2010 là 11,1 triệu đồng/người; năm 2012 đã tăng 14,2 triệu đồng/người và năm 2013 ước đạt 15,5 triệu đồng/ người. Tỷ lệ hộ nghèo qua các năm đều giảm, năm 2010 là 17%, năm 2012 giảm xuống còn 9,99% và dự kiến năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo còn 8%.
Cùng với đó, các vấn đề phát triển giáo dục, văn hóa, môi trường, xây dựng hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh trật tự xã hội được các địa phương trong huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 99,8% tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường, 25/25 xã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, 81% học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, bổ túc, học nghề; 100% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; trên 72% thôn, xóm được công nhận là xóm văn hóa.
Vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường được tăng cường và là một trong những nội dung trọng tâm có trong hương ước, quy ước của các thôn xóm. Toàn huyện đã mua và đưa vào sử dụng 142 xe đẩy 3 bánh thu gom rác thải tại các khu đông dân cư và hoàn thành, đưa vào sử dụng 3/5 dự án đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch cho 6 xã.
Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của huyện Kim Sơn đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện Kim Sơn cho thấy vẫn còn hơn nửa số xã mới chỉ đạt dưới 10 tiêu chí, trong đó có xã mới đạt 5 tiêu chí (xã Kim Trung).
Một số xã triển khai công tác khảo sát thực trạng, lập quy hoạch, xây dựng đề án và triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới còn chậm so với yêu cầu tiến độ đề ra; lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới chậm và chất lượng quy hoạch thấp. Việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân nhưng do đời sống của người dân còn khó khăn nên việc huy động nguồn lực phục vụ cho nhu cầu đầu tư, xây dựng còn hạn chế, chủ yếu phải dựa vào ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng nông thôn mới, còn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, nguồn hỗ trợ từ ngân sách còn hạn chế.
Đến năm 2015, huyện Kim Sơn đề ra mục tiêu phấn đấu có trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 80% số xã còn lại đạt trên 50% các tiêu chí nông thôn mới. Để đạt được kết quả đó, huyện Kim Sơn đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới.
Riêng tiêu chí thu nhập là một trong những tiêu chí khó thực hiện, trong thời gian tới huyện dựa trên lợi thế sẵn có tập trung phát triển theo 3 hướng chính là kinh tế nông nghiệp (hiện nay chiếm gần 1/3 tổng sản lượng lúa của tỉnh); ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống sản xuất hàng cói; kinh tế biển ở vùng bãi bồi.
Đối với sản xuất nông nghiệp, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền, đổi thửa, tạo thành vùng sản xuất tập trung; quy hoạch phát triển vùng chuyên canh nông sản chất lượng cao, khu chăn nuôi tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường và gắn với bảo vệ môi trường nông thôn; Thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với hiến đất, góp công chỉnh trang, nâng cấp hệ thống kênh mương tưới tiêu, đường giao thông nội đồng, tạo thuận lợi đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị trên mỗi ha canh tác.
Phát huy lợi thế có nhiều làng nghề truyền thống sản xuất ra các sản phẩm cói mỹ nghệ, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, truyền nghề, hỗ trợ cơ chế để các doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều đơn hàng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân.
Khu vực bãi bồi ven biển tập trung khuyến khích, vận động nhân dân đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi công nghiệp với các con nuôi truyền thống như tôm, cua và đưa vào các con nuôi mới có giá trị như cá bống bớp, tôm thẻ chân trắng….
Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đã được Trung ương, tỉnh ban hành để hỗ trợ phát triển sản xuất các ngành, lĩnh vực trên địa bàn; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất.
Bài, ảnh: Hồng Giang