Trao đổi với chúng tôi, cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Kim Sơn có nhiều lợi thế hơn so với các địa phương khác trong tỉnh về điều kiện tự nhiên, đất đai màu mỡ, gần các cửa sông nên hệ thống tưới tiêu chủ động. Dựa trên thế mạnh đó, huyện đã chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp. Quan tâm đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là đưa các giống lúa lai có tiềm năng năng suất cao. Chính vì vậy, Kim Sơn luôn dẫn đầu về năng suất lúa trong toàn tỉnh.
Để đảm bảo an ninh lương thực bền vững, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, tăng bình quân thu nhập đầu người, thực hiện Quyết định số 2147/QĐ - UBND ngày 26-11-2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển diện tích lúa cao sản đến hết vụ đông xuân 2010 - 2011và Thông tri 20 của Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn về đẩy mạnh sản xuất lúa cao sản, lúa chất lượng cao vào sản xuất vụ đông xuân đến năm 2010. Huyện đã đưa vào gieo cấy 2.562 ha diện tích lúa cao sản, năng suất phấn đấu đạt từ 75 - 80 tạ/ha, sản lượng tăng thêm từ 2.600 - 3.000 tấn. Các giống lúa cao sản chủ lực được đưa vào gieo trồng là Phú ưu 1, Phú ưu 978, CNR 5104, Thục hưng 6. Đây là các giống lúa lai được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận, đều đã được gieo cấy thử nghiệm ở Ninh Bình, có thời gian sinh trưởng ngắn đến trung bình, chịu thâm canh trung bình, có tiềm năng năng suất cao (cao hơn năng suất của các giống lúa đại trà từ 10 - 15% trở lên, năng suất trung bình đạt 65 -70 tạ/ha, thâm canh cao đạt 75 - 80 tạ/ha), ít nhiễm sâu bệnh, có khả năng thích ứng trên nhiều chân đất khác nhau, chịu rét khá, đẻ nhánh khỏe, tập trung, tỷ lệ bông hữu hiệu cao. Để thực hiện tốt Đề án của tỉnh, huyện Kim Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia sản xuất, đẩy mạnh thâm canh lúa cao sản. Huyện đã chỉ đạo các xã, HTX nông nghiệp tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất, đặc biệt là những diện tích cấy lúa cao sản như giống, vật tư, phân bón... Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các HTX nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về giống lúa, cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc mạ, chăm sóc cây lúa…. Trong tháng 3-2009, huyện đã tổ chức 30 lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc các giống lúa cao sản cho 30 HTX nông nghiệp trong huyện.
Ông Nguyễn Văn Ái, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đồng Hướng cho biết: Trước đây, nông dân thường sử dụng giống lúa cũ nên lúa thường bị sâu bệnh hại, năng suất thấp. Nhờ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dần dần các giống lúa cũ được thay thế bằng các giống lúa mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của người dân. Qua thực tế sản xuất cho thấy, những giống lúa này có ưu điểm là năng suất cao, chất lượng tốt, ít sâu bệnh. Vì vậy, diện tích lúa lai ở HTX dần dần tăng lên. Vụ đông xuân 2008 - 2009, HTX gieo cấy 387,45 ha thì diện tích lúa lai chiếm hơn 80% tổng diện tích gieo cấy (trong đó có 11,4 ha lúa cao sản), năng suất dự kiến đạt 78 tạ/ha.
Ngoài chuyển đổi cơ cấu giống lúa, huyện Kim Sơn còn quan tâm tới việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, các trà lúa được bố trí sản xuất theo hướng tăng trà xuân muộn, mùa sớm và mùa trung, giảm trà xuân sớm, mùa muộn để hạn chế các yếu tố bất lợi của thời tiết. Việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa, trà lúa đã góp phần tăng năng suất lúa và sản lượng lương thực trên địa bàn.Theo số liệu tổng hợp của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, vụ đông xuân năm nay toàn huyện gieo cấy 8.070 ha lúa, trong đó 100% là lúa xuân muộn và được gieo bằng mạ nền.
Việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng tiếp cận các giống mới, phương thức thâm canh tiên tiến, hiện đại không những khẳng định chủ trương đúng của tỉnh trong việc hiện đại hóa nông nghiệp, làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân mà còn là xu hướng vươn mạnh tới sản xuất lúa hàng hóa.
Hương Giang