Năm nay, cơ cấu giống lúa vụ đông xuân tại huyện Kim Sơn không có thay đổi, giống lúa thuần vẫn là giống lúa chính. Toàn huyện gieo cấy 8.268 ha lúa (trong đó Công ty TNHH MTV Bình Minh là 460,3ha), toàn bộ diện tích cấy trà xuân muộn. Diện tích giống lúa lai chiếm gần 15%, giống lúa thuần trên 85%. Lúa chất lượng cao chiếm 67,5% tổng diện tích.
Như thông tin đã đề cập, trong thời gian cấy xảy ra đợt rét đậm kéo dài nên một số diện tích lúa cấy sớm và ruộng thiếu nước đã bị thiệt hại.
Theo báo cáo của các đơn vị, diện tích lúa bị thiệt hại gần 222 ha, trong đó diện tích lúa bị thiệt hại từ 30 - 70% là 171 ha, diện tích lúa bị thiệt hại trên 70% là 51 ha.
Để khắc phục hậu quả, bà con nông dân phải tiến hành cấy lại các diện tích thiệt hại, song chính điều đó đã làm xuất hiện một điểm mới trong sản xuất lúa năm nay tại địa bàn.
Đồng chí Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết: Năm nay, diện tích lúa gieo thẳng tại Kim Sơn tăng đột biến.
Diện tích lúa gieo thẳng đạt gần 237 ha, tăng 200ha so với vụ Đông xuân 2014 - 2015, trong đó chủ yếu ở các xã: Tân Thành 65 ha; Yên Mật 40 ha; Cồn Thoi 36 ha; Định Hóa 25 ha...
Diện tích lúa gieo thẳng nhiều một phần do các đơn vị có kế hoạch từ đầu vụ, một phần do mạ bị thiệt hại nên các hộ dân chuyển sang gieo thẳng để đảm bảo thời vụ.
Hiện tại, lúa đang trong giai đoạn đòng già đến trỗ bông. Theo báo cáo của các đơn vị và kiểm tra sơ bộ, đến ngày 20-5 diện tích lúa trỗ khoảng 6.600 ha, tương đương 80% diện tích.
Trong thời gian này, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện tập trung phối hợp với Trạm BVTV huyện kiểm tra đồng ruộng, đôn đốc và hướng dẫn các HTX nông nghiệp phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa.
Ông Hoàng Đông Anh, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Kim Sơn cho biết: Các đơn vị đã triển khai phun trừ rầy tập trung từ ngày 2 đến 5-5. Đến ngày 5-5, 95% diện tích đã được phun thuốc đúng quy trình và liều lượng.
Từ ngày 17 đến 20-5, triển khai phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 3. Tính đến thời điểm hiện tại, các loại sâu bệnh như: rầy nây, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân... vẫn xuất hiện, song chỉ với tính chất cục bộ, trên diện tích nhỏ.
Các tổ kiểm tra đồng đã kịp thời phát hiện, thông báo cho bà con nông dân "dập tắt" các ổ dịch ngay lập tức, không để lan rộng. Đối với chuột hại lúa, nhận nguồn thuốc hỗ trợ của tỉnh, huyện, các tổ diệt chuột đã được thành lập và hoạt động tích cực ngay từ đầu vụ. Tính đến nay, toàn huyện sử dụng gần 600 kg thuốc sinh học và đã diệt được 7.320 con chuột, giảm thiểu đáng kể loài vật phá hoại này.
Trong thời gian tới, cần tập trung theo dõi, phòng trừ rầy nâu lứa 3 và sâu đục thân đối với diện tích lúa gieo sạ, trỗ sau ngày 30-4.
Gần 11 giờ trưa, ông Đặng Tân ở xóm 2, xã Hùng Tiến vẫn lặn lội ngoài đồng. Ông đang thuê người phun thuốc trừ sâu cho 3 ha lúa mà ông đấu thầu. Giống lúa Bắc Thơm mà ông lựa chọn đang sinh trưởng tốt, có diện tích lúa đã trỗ bông.
Ông Tân nhận định: Chỉ mất khoảng thời gian đầu vụ gặp rét đậm, rét hại, còn thời gian cây lúa sinh trưởng, thời tiết khá thuận lợi, cây lúa sinh trưởng và phát triển đồng đều. Các loại sâu bệnh và diện tích nhiễm ít hơn mọi năm nên công tác phòng trừ bớt khó khăn.
Tuy vậy, diện tích đất đấu thầu khá xấu, ghềnh khô nên gia đình chỉ ước tính sản lượng đạt khoảng 1,5 - 1,7 tạ/sào. Ông Tân chỉ cho tôi xem 3 mẫu lúa ông gieo cấy thử bằng hình thức gieo sạ và nói: Nếu vụ này thắng lợi, vụ sau tôi chuyển hết sang gieo sạ cho đỡ vất vả.
Vụ đông xuân được coi là vụ lúa chính của bà con nông dân, bởi đến vụ mùa, nhiều hộ gia đình có kế hoạch chuyển sang các hình thức canh tác khác để tăng thu nhập cho gia đình. Hơn 1 tháng nữa, trên những cánh đồng này sẽ ầm vang tiếng máy gặt, vụ thu hoạch sắp đến, chẳng có điều gì khác khiến người nông dân phấn khởi hơn là giành một vụ lúa năng suất cao.
Bài, ảnh: Thái Học