Vụ mùa năm nay, gia đình bà Trịnh Quý Phi tại xóm 4, xã Quang Thiện cấy hơn 3 sào lúa Bắc Thơm số 7. Khác với vụ mùa năm ngoái, năm nay gia đình bà không thuê máy gặt để thu hoạch. Lý do là trước thời điểm thu hoạch, áp thấp nhiệt đới kèm mưa dài ngày khiến toàn bộ diện tích lúa của gia đình ngập trong nước. Khi nước rút, một diện tích nhỏ đã... nảy mầm. Bà Phi cho biết thêm: Trong vụ sản xuất, lúa của gia đình còn bị sâu bệnh phá hoại nghiêm trọng, đặc biệt là bệnh vàng lùn xoắn lá. Cộng thêm dịch chuột phá hoại khiến năng suất lúa giảm đáng kể. Với hơn 3 sào lúa, vụ mùa năm nay, gia đình bà Phi chỉ thu về được 1,5 tạ thóc. Bà Phi tâm sự: Sản lượng của 3 sào lúa năm nay chỉ bằng 1 sào lúa của vụ mùa năm ngoái.
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều hộ dân cấy lúa tại địa bàn xã Quang Thiện. Tuy nhiên, sản lượng lúa của các hộ dân là không đồng đều và tùy thuộc vào mức độ nhiễm sâu bệnh. Cá biệt có những hộ chỉ thu hoạch được 30kg thóc/sào.
Đa phần các hộ dân cấy giống lúa Bắc Thơm số 7 chịu thiệt hại do tình trạng sâu bệnh và ngập úng bởi mưa lớn, song với những hộ dân cấy lúa nếp thì đây vẫn là vụ sản xuất thắng lợi. Gia đình bà Nguyễn Bích Hồng ở xã Kim Chính cấy toàn bộ 6 sào lúa nếp 97.
Bà Hồng cho biết: Trong vụ sản xuất, diện tích lúa của gia đình không bị sâu bệnh phá hoại. Hơn thế, trong đợt mưa lớn kéo dài từ giữa tháng 10 vừa qua, lúa của gia đình bà không bị ngập.
Được biết, với đặc tính chống chịu tốt, chiều cao thân lúa nếp thường cao hơn so với giống lúa Bắc Thơm số 7 nên cây lúa không bị ngập nước, dẫn đến năng suất được bảo đảm.
Bà Hồng phấn khởi, khoảng 10 ngày nữa là gia đình tôi có thể thu hoạch lúa. Tôi đã đặt lịch hẹn với chủ máy gặt để sẵn sàng xuống đồng thu hoạch khi lúa chín.
Vụ mùa 2017, huyện Kim Sơn gieo cấy 8.200ha lúa, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm trên 65% diện tích. Theo khảo sát sơ bộ, vụ mùa 2017, năng suất lúa của huyện Kim Sơn ước đạt 54,21 tạ/ha, giảm gần 1,5 tạ/ha so với vụ mùa 2016.
Đến nay, công tác thu hoạch đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một diện tích nhỏ cấy lúa nếp và một phần diện tích lúa người dân để làm giống. Nguyên nhân chính làm giảm năng suất lúa vụ mùa 2017 là do tình trạng sâu bệnh gây hại và những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết.
Theo báo cáo về tình hình bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ mùa năm 2017 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, huyện Kim Sơn là địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Theo đó, tổng diện tích lúa nhiễm bệnh của huyện Kim Sơn gần 500 ha, trong đó diện tích nhiễm mức độ nhẹ là 300 ha, nhiễm trung bình là 115 ha và nhiễm nặng là 82 ha. Thêm vào đó, tình trạng chuột gây hại tại đồng ruộng cũng gia tăng đáng kể.
Để ứng phó với tình trạng sâu bệnh gây hại trong vụ sản xuất, UBND huyện Kim Sơn đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, các Hợp tác xã nông nghiệp vận động bà con nông dân tích cực phun thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng và thời điểm, tăng cường công tác theo dõi sát sao đồng ruộng.
Cùng với đó, các cán bộ của Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện đã tổ chức kiểm tra đồng ruộng, tổng hợp tình hình và có thông báo chi tiết về diễn biến, mật độ, địa điểm phát triển sâu bệnh cũng như cách thức phòng trừ, loại thuốc đặc trị.
Tuy vậy, điều kiện thời tiết thích hợp đã khiến sâu bệnh phát triển rộ, sau các đợt phun thuốc bảo vệ thực vật lại có mưa lớn nên hiệu quả phòng trừ giảm rõ rệt. Đến cuối vụ lại xảy ra tình trạng mưa lớn kéo dài khiến một phần diện tích lúa bị ngập.
Tuy huyện Kim Sơn đã nhanh chóng chỉ đạo, phối hợp với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện để tiêu úng kịp thời, song cây lúa bị ngâm nước đã bị gãy đổ... cũng ảnh hưởng đến năng suất, đồng thời gây khó khăn cho công tác thu hoạch. Theo đó, nhiều diện tích lúa không thể thu hoạch bằng máy nên phải thu hoạch thủ công, nhiều gia đình không đủ nhân lực phải thuê người gặt, giá dao động khoảng 300 nghìn đồng/sào lúa.
Thái Học