Lãnh đạo huyện Kim Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện có 49 HTX, trong đó có 42 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, 5 HTX công nghiệp và 2 HTX vận tải. Có 11 HTX thành lập mới đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012, vì vậy có 38 HTX cần chuyển đổi theo kiểu mới. Đến nay hơn 20 HTX đã tổ chức Đại hội chuyển đổi. Để đạt được mục tiêu tới, tháng 1-2016 tất cả các HTX trên địa bàn huyện hoạt động theo Luật HTX năm 2012, UBND huyện và Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện đã ban hành 9 văn bản chỉ đạo, tổ chức các hội nghị triển khai, phổ biến, tuyên truyền Luật HTX năm 2012, kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc các HTX chuẩn bị báo cáo tổ chức đại hội chuyển đổi.
Hiện nay, các HTX nông nghiệp kiểu cũ đang gặp không ít khó khăn, bất cập. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã gặp gỡ ông Phạm Đăng Sơn, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Định Hóa.
Ông Sơn cho biết: HTX nông nghiệp Định Hóa được thành lập từ năm 1963, là đơn vị thuần nông có quy mô toàn xã, được phân bố thành 12 đội sản xuất, với diện tích canh tác hơn 423 ha. Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, hoạt động của HTX nông nghiệp Định Hóa đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, tính tự chủ của nông hộ ngày càng cao, họ ít cần tới các dịch vụ của HTX, vai trò và tính hiệu quả các dịch vụ này đang giảm dần. HTX mới chỉ lo được khâu bảo vệ thực vật, thủy lợi, bảo vệ đồng và một phần cung cấp vật tư nông nghiệp, chưa tham gia vào chuỗi hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm, kết nối nông dân với doanh nghiệp.
Có thể nhận thấy, HTX nông nghiệp đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường khi triển khai các khâu dịch vụ. Trong khi tiềm năng về kinh tế và các điều kiện khác của HTX còn hạn chế, việc tiếp cận các chính sách của Nhà nước khó khăn như chính sách vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh do các quy định, thủ tục còn phức tạp.
Để có vốn sản xuất, kinh doanh, có trường hợp cán bộ HTX phải thế chấp tài sản riêng của gia đình để được vay vốn, nhưng số tiền vay được chẳng đáng bao nhiêu.
Khi HTX chuẩn bị cho chuyển đổi, dù nhiều xã viên viết đơn xin tiếp tục gia nhập HTX kiểu mới, nhưng khi nói đến chuyện góp vốn thì không ai mặn mà hưởng ứng.
Thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất nên khả năng cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác còn nhiều hạn chế. HTX chỉ tập trung vào các dịch vụ truyền thống nên hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, nhiều HTX chưa được cấp đất, cho thuê đất ưu đãi để xây dựng nhà làm việc, nhà kho hoặc xây dựng nhà xưởng để chế biến bảo quản khi có nhu cầu.
Các HTX nông nghiệp, thủy sản kiểu cũ trên địa bàn huyện Kim Sơn đa phần được thành lập, tổ chức hoạt động từ thời bao cấp, hoạt động không năng động, doanh thu thấp.
Năm 2014 có 15/33 HTX nông nghiệp thủy sản kinh doanh không có lãi, tài chính gặp nhiều khó khăn nên không muốn chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Một số HTX đã thực hiện chuyển đổi nhưng vốn góp, mức vốn góp tổi thiểu thấp, còn mang tính hình thức.
Khác hoàn toàn với các HTX kiểu cũ, một số HTX mới được thành lập, hoạt động theo Luật HTX năm 2012 lại sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có lãi, mức vốn góp tối thiểu cao nên có vốn lớn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, thực sự vì lợi ích của thành viên, kể cả những HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Việc chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 cho phép các HTX huy động nguồn vốn từ các thành viên, mở rộng các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ nhằm phát huy tối đa năng lực phát triển của đơn vị kinh tế tập thể này.
Nhưng sau khi chuyển đổi, các HTX sẽ hoạt động kinh doanh lĩnh vực gì, có hiệu quả hay không, đó lại là một câu hỏi lớn. Làm sao để tránh tình trạng "bình mới, rượu cũ" vẫn luôn là điều trăn trở của những người tâm huyết với HTX.
Tuy có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng thiết nghĩ, cốt lõi của vấn đề là sự đoàn kết của các thành viên, sự tận tụy của hội đồng quản trị và từ tình hình thực tế của địa phương, nhu cầu của thị trường để mạnh dạn đề xuất những ý tưởng kinh doanh hợp lý, hiệu quả, tuân thủ pháp luật. điều quan trọng nhất vẫn là đem lại lợi nhuận cho các thành viên.
Thái Học