Các đơn vị ở vùng bãi ngang ven biển đang được đầu tư xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, kết hợp chặt chẽ giữa nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm. NTS dần dần được chuyên môn hóa hơn, năng suất, chất lượng thủy sản cũng tăng đáng kể.
Tuy nhiên trong năm 2008, tình hình NTS ở các xã bãi ngang ven biển của huyện Kim Sơn gặp nhiều khó khăn, sản lượng đạt thấp, năng suất và chất lượng cũng giảm. ở vụ 1, toàn huyện Kim Sơn có 6 đơn vị vùng bãi bồi ven biển nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích 2.064 ha, trong đó vùng trong đê Bình Minh II 1.062 ha, vùng ngoài đê Bình Minh II 1.002 ha, chủ yếu nuôi tôm sú và nuôi xen cua càng xanh.
Ở thời điểm giữa vụ, tôm đang đà phát triển tốt thì thời tiết biến đổi thất thường, nắng nóng kéo dài, mưa lớn xuất hiện đột ngột làm 792 hộ (466,1 ha) có tôm bị chết, chiếm 24,9% số hộ nuôi trồng thủy sản. Sang vụ 2, nông dân trong huyện đã thả 8 triệu con cua giống trên diện tích 1.850 ha ao nuôi, nhưng do độ mặn trong các ao đầm đạt thấp nên cua nuôi đạt tỷ lệ sống thấp.
Năm 2009, huyện Kim Sơn phát triển nghề NTS ở vùng bãi bồi theo hướng đa dạng hóa con nuôi và hình thức nuôi, đưa NTS thành nghề sản xuất hàng hóa đem lại lợi nhuận cao cho nhân dân. Toàn huyện phấn đấu nuôi trồng thủy sản trên diện tích 2.064 ha với tổng sản lượng thủy sản đạt 3.250 tấn (trong đó tôm sú 700 tấn, cua biển 800 tấn, tôm rảo 300 tấn, ngao 1.000 tấn, hải sản khác 450 tấn), giá trị sản lượng ước đạt 200 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Anh Khôi, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn cho biết: Để đạt được kết quả nêu trên và khắc phục những khó khăn, huyện Kim Sơn chú trọng làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, hướng dẫn kỹ thuật cải tạo ao đầm, lịch nuôi thả, chăm sóc, quản lý sản xuất, dịch vụ giống, đặc biệt là quản lý môi trường và dịch bệnh vùng NTS.
Ngay từ đầu vụ, huyện chỉ đạo thực hiện triệt để việc cải tạo ao đầm, rút nước toàn bộ vùng nuôi, vệ sinh môi trường kênh mương và khử trùng bằng vôi bột. Tổ chức tuyên truyền, thông báo rộng rãi tới toàn thể nhân dân, đặc biệt là các hộ đang trực tiếp NTS hiểu tầm quan trọng của việc cải tạo ao đầm, kênh mương trong NTS bền vững.
Đối với vùng nuôi trong đê Bình Minh II, yêu cầu 100% các hộ phải thực hiện cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật trước khi tiến hành nuôi thả, nuôi thả đúng thời vụ, đúng đối tượng. Nếu cần thiết sẽ tiến hành xử lý hành chính, cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình không thực hiện đúng với quy định NTS toàn vùng nhằm đảm bảo an toàn vùng nuôi và sự phát triển bền vững trong NTS.
Đến thời điểm này công tác cải tạo ao đầm, kênh mương đã cơ bản hoàn thành, còn một số ao cải tạo chưa đạt tiêu chuẩn thì tiếp tục cải tạo. Trong năm, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng và phòng trừ dịch bệnh cho các hộ NTS. Khuyến khích và đẩy mạnh tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thử nghiệm những mô hình con nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, thích nghi với môi trường vùng bãi, đưa vào nuôi luân canh để hạn chế dịch bệnh, đảm bảo môi trường sản xuất thủy sản bền vững.
Đối tượng chính để phát triển trong năm nay vẫn là tôm sú và cua xanh, nhưng huyện khuyến khích các hộ nuôi có các điều kiện về tài chính, trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật và ao nuôi đảm bảo tiêu chuẩn phát triển các giống con mới: Cá vược, cá mú, cá bớp, cá rô phi đơn tính, tôm he chân trắng.
Chất lượng nguồn con giống là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong NTS nhưng hiện nay nó đang là vấn đề đáng báo động. Việc quản lý nguồn con giống nhập vào địa bàn chưa triệt để, chủ dịch vụ còn lẩn tránh các cơ quan quản lý.
Theo Trạm kiểm dịch thủy sản cho biết, vụ 1 năm 2008 chỉ có 63,7 triệu con tôm giống qua Trạm kiểm dịch trên tổng số 125 triệu con tôm giống thả vào đầm nuôi. Do các trại giống của địa phương không tổ chức sản xuất nên tôm giống hoàn toàn nhập về từ tỉnh ngoài như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nghệ An, Bình Thuận.
Năm nay để có nguồn tôm giống tốt, huyện khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất, kinh doanh làm dịch vụ giống tôm sú có chất lượng và chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước và địa phương. Các cơ sở sản xuất giống cần hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống tôm sú phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời tiến hành mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sản lượng để tiến tới chủ động nguồn giống có chất lượng tại chỗ cho vùng nuôi.
Vào thời điểm thả giống tôm sú tập trung, các ngành chức năng của huyện phối hợp với Trạm kiểm dịch thủy sản tiến hành tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các lô hàng tôm sú giống chưa qua kiểm dịch và chưa có giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng của Trạm kiểm dịch thủy sản Ninh Bình, kiên quyết không cho vào địa bàn nuôi thả.
Để đảm bảo nguồn nước, huyện tổ chức các hội nghị giao ban giữa đội khai thác công trình thủy lợi và UBND các xã, các đơn vị quân đội, xây dựng lịch thay tháo nước phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của tôm sú. Phối hợp với Trạm kiểm dịch thủy sản thường xuyên thu thập mẫu nước, kiểm tra môi trường vùng nuôi.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế biển, hướng tới phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao và ổn định thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Để đạt được điều đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực đồng lòng của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Kim Sơn, đặc biệt là các hộ đang trực tiếp NTS.
Hương Giang