Ông Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết: Đến nay, lúa trà xuân muộn đang ôm đòng, trỗ bông. Qua phản ánh của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, một số đối tượng dịch hại đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa, cụ thể là dịch rầy và bệnh đạo ôn cổ bông. Hiện tại, mật độ rầy trên đồng ruộng trung bình là 140 con/m2, nơi cao từ 400-600 con/m2. Trong thời gian tới, rầy cám lứa 3 sẽ nở rộ từ ngày 15 đến 22-5 và gây hại cục bộ trên các trà lúa. Đặc biệt, gây hại nặng trên lúa gieo sạ ở giai đoạn trỗ bông đến chín do mật độ rầy cao, trung bình khoảng 450 con/m2. Nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời, những diện tích bị hại nặng sẽ gây cháy ổ từ ngày 21-5 trở đi.
Trên trà xuân muộn, bệnh đạo ôn cổ bông đang phát triển trên lá đòng và cổ lá đòng, tỷ lệ nơi cao từ 5-7%, cá biệt có nơi đạt mức 20-30% lá đòng, cổ lá đòng mắc bệnh. Trong thời gian tới, nếu ở giai đoạn lúa trỗ bông có điều kiện thời tiết thuận lợi, bệnh đạo ôn cổ bông sẽ phát triển và hại cục bộ trên trà lúa xuân muộn, đặc biệt gây hại nặng trên những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá nặng, ruộng xanh tốt gần nguồn bệnh. Các giống nhiễm như: Nếp, Q5, QR1, Bắc thơm số 7, LT2... nếu không chủ động phòng trừ kịp thời thì nhiều diện tích sẽ bị hại nặng, ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân lúa 2 chấm có thể gây hại trên trà lúa trỗ sau ngày 10-5.
Ông Trần Văn Công cho biết thêm: Hiện nay, tổng diện tích nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông trên địa bàn huyện là 2 ha, trong đó: Diện tích nhiễm nhẹ là 1 ha, nhiễm trung bình khoảng 0,6 ha, diện tích nhiễm nặng là 0,4 ha. Trước đó, các địa phương đã tổ chức phun phòng trừ đợt 1 trên tổng diện tích là 1.200 ha nên bệnh mới chỉ xuất hiện và gây hại cục bộ. Trong thời gian này, phun phòng trừ đợt 2 đang được thực hiện.
Ngay từ đầu vụ, UBND huyện, phòng Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từng giai đoạn sản xuất, những lưu ý đối với bà con nông dân về lịch thời vụ, các loại sâu bệnh hại lúa và cách phòng trừ... Cuối tháng 3 vừa qua, một hội nghị nhằm triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh đạo ôn, bảo vệ lúa đông xuân 2015 đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện các HTX, người nông dân... Bên cạnh đó, khi sâu bệnh hại lúa có diễn biến mới, Trạm Bảo vệ thực vật huyện sẽ có các văn bản thông báo và hướng dẫn cụ thể để các HTX nông nghiệp kiểm tra tình hình thực tế của địa phương, triển khai các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Trong tình hình hiện nay, khi rầy và bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Kim Sơn đã triển khai văn bản đề nghị bà con nông dân đảm bảo đủ nước cho lúa làm đòng, trỗ bông, đồng thời tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng.
Giữa lúc trời đang nắng chang chang, ông Lại Văn Tinh, xóm 8, xã Hùng Tiến vẫn cần mẫn phun thuốc cho hơn 1 mẫu lúa của gia đình. Ông Tinh cho biết: Thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ HTX, tôi đang phun thuốc đợt 2 cho lúa. Hàng ngày, tôi ra thăm đồng kiểm tra tình hình nhưng đến nay chưa thấy xuất hiện sâu bệnh. Tuy nhiên, tôi vẫn tiến hành phun thuốc đúng theo hướng dẫn để tránh các trường hợp sâu bệnh xảy ra, khoảng 1 tháng nữa là lúa có thể thu hoạch.
Như vậy, với sự chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng Trạm BVTV huyện về việc chủ động phun trừ sâu bệnh, tin rằng nông dân huyện Kim Sơn tiếp tục giành thắng lợi trong vụ đông xuân năm nay.
Thái Học