Để chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) năm 2012, huyện Kim Sơn đã sớm triển khai thành lập Ban Chỉ huy PCLB & TKCN các cấp, xây dựng phương án PCLB & TKCN và giảm nhẹ thiên tai chung toàn huyện; phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu; phương án cứu hộ, cứu nạn và đảm bảo an toàn cho người, phương tiện hoạt động nghề cá ven biển; phương án khắc phục hậu quả sau bão, lũ… Phương châm là chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho nhân dân và các tuyến đê, kè, cống và các công trình thủy lợi trên địa bàn.
Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới tận người dân về công tác PCLB & TKCN để nhân dân hiểu và tích cực tham gia PCLB. Đồng thời kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống và khả năng PCLB của hệ thống công trình thủy lợi; xác định các trọng điểm và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng cứu hộ đê và di dân khi có tình huống xảy ra.
Qua công tác kiểm tra, huyện xác định các điểm xung yếu trong mùa mưa bão năm nay là tuyến đê biển Bình Minh III, cống Chất Thành, Kim Đài, Càn Cụt, Lạc Thiện và kè Chất Thành. Tại các điểm xung yếu, huyện đã giao cho các xã, đảm bảo an toàn khi có bão, lũ xảy ra.
Trong công tác PCLB & TKCN, huyện Kim Sơn đặc biệt quan tâm đến phương án hậu phương và di dân vùng bãi bồi ven biển. Hiện nay, vùng kinh tế mới ven biển gồm 3 xã Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải và hai đơn vị Quân đội đóng trên địa bàn. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của huyện, đồng thời là trọng điểm PCLB của tỉnh, huyện. Trong vùng có tổng diện tích 1.932 ha, có 2.770 hộ dân với 10.517 khẩu đang sinh sống. Ngoài ra, ở khu vực ngoài đê Bình Minh II có tổng diện tích 4.550 ha, bao gồm vùng bãi bồi và Cồn Nổi với trên 1.000 hộ đang khai thác, nuôi trồng thủy sản. Kinh nghiệm những mùa bão trước cho thấy, công tác di dân phải dựa vào hai lực lượng chính là Quân đội và Công an. Huyện Kim Sơn đã xây dựng phương án và chuẩn bị tốt các điều kiện để di dân vùng bãi bồi ven biển. Trước khi có bão, lũ xảy ra, tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ và nhân dân trong huyện về Pháp lệnh PCLB & TKCN, các quy định của Chính phủ, của UBND tỉnh về công tác PCLB & TKCN. Đồng thời hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị phương tiện di chuyển tài sản, con người khi có bão.
Về lực lượng tổ chức di dân, ngoài lực lượng, phương tiện, Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện đã giao cho các xã chuẩn bị, các xã vùng kinh tế biển và hai đơn vị Quân đội có phương án riêng về lực lượng và phương tiện bổ sung để tăng cường giúp dân di tản, các hộ dân cũng phải làm tốt công tác chuẩn bị để khi cần có thể di chuyển được ngay.
Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức từ 1-2 tổ tuần tra canh gác đê (mỗi tổ 4-6 người) và lực lượng xung kích hộ đê từ 100-150 người trực tại các vị trí gần trọng điểm để ứng cứu đê, kè, cống khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, huyện còn hiệp đồng với lực lượng Quân đội sẵn sàng chi viện cho mỗi trọng điểm. Các công trình PCLB đang thi công hoặc đã thi công xong nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng cũng được đơn vị thi công lập phương án bảo vệ an toàn trong mùa mưa bão năm 2012, chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
Về hậu cần, các xã, thị trấn bố trí tối thiểu 100 kg gạo, 50 kg mì ăn liền cùng củi đun tại vị trí trọng điểm; đảm bảo hậu cần cho lực lượng chi viện ít nhất đủ trong 7 ngày; UBND các xã, thị trấn đảm bảo chỗ ăn, nghỉ, điểm cấp cứu, một số dụng cụ vật tư cho lực lượng xử lý trọng điểm và lực lượng hỗ trợ. Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện xây dựng quy trình điều tiết nước cho từng giai đoạn sinh trưởng của lúa, cói và nuôi trồng thủy sản. Xây dựng tưới tiêu cho sản xuất vụ mùa, cây vụ đông năm 2012 và vùng nuôi trồng thủy sản và chuẩn bị đủ vật tư dự phòng với các công trình Chi nhánh đang quản lý.
Huyện cũng chỉ đạo các địa phương tiến hành lập kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự trước, trong và sau bão; kế hoạch sơ tán dân, phương án cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Khẩn trương sửa chữa các trạm bơm, chuẩn bị gầu guồng sẵn sàng chống úng. Tổ chức tập huấn kỹ thuật hộ đê cho lực lượng quản lý đê nhân dân và lực lượng xung kích hộ đê các xã, thị trấn. Trong mùa mưa bão, Đội quản lý đê chuyên trách và lực lượng quản lý đê nhân dân thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm Pháp lệnh đê điều, hành lang thoát lũ, công trình thủy lợi và sớm phát hiện sự cố để có biện pháp xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu. Các ngành chức năng cũng đang khẩn trương chuẩn bị phương tiện, lực lượng, đảm bảo an ninh trật tự và phục vụ ứng cứu hộ đê; sửa chữa đường dây, thiết bị đảm bảo nguồn điện chống úng, sinh hoạt và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão. Chuẩn bị đủ cơ số thuốc để cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh trước, trong, sau bão, lũ và xử lý môi trường khi lũ lụt xảy ra. Xây dựng kế hoạch chuẩn bị vật tư, giống để đáp ứng yêu cầu sản xuất tái vụ khi ngập úng, mất mùa xảy ra, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác PCLB & TKCN và giảm nhẹ thiên tai năm 2012.
Bài, ảnh: Thanh Chiên