Hoạt động xuất khẩu nhiều khởi sắc
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu tăng về số lượng, năng động trong kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa hoạt động ngày càng ổn định, bước đầu đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 30 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu. Để từng bước khẳng định mình trong xu thế hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp từng bước đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, cách quản lý phù hợp với nền kinh tế hội nhập. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường, xuất nhập khẩu có năng lực, chuyên môn giỏi, am hiểu thị trường và nắm được các thông lệ quốc tế, phong tục, thị hiếu của từng nước để đưa ra những sản phẩm chào hàng phù hợp. Quan tâm bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhà xưởng, trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn của quốc tế để tạo ra mẫu hàng mới đa dạng, phong phú, có thẩm mỹ cao phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Từng bước cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Công tác xúc tiến xuất khẩu ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng và quan tâm đầu tư xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả với cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại khác của Nhà nước, Hiệp hội và cũng như của các doanh nghiệp khác. Tích cực tham gia các hiệp hội ngành nghề, tham dự các diễn đàn, hội thảo quan trọng của quốc gia, ngành hàng nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Một điều quan trọng trong thời kỳ hội nhập là các doanh nghiệp đã giữ uy tín với khách hàng bằng chính chất lượng hàng hóa, đảm bảo đủ số lượng, đúng mẫu mã, giao hàng đúng thời hạn và thanh toán nhanh gọn, sòng phẳng... Chính vì thế, sản phẩm của các doanh nghiệp đứng vững trên thị trường thế giới. Năm 2007, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 34,7 triệu USD, đạt 108,7% kế hoạch năm, tăng 34%. Đây là năm có kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng thực phẩm chế biến như thịt đông lạnh, sản phẩm dứa, dưa chuột, vải và giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng thô như quặng, lá bương. Trong 4 nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh thì có 3 nhóm kim ngạch tăng so với năm 2006 và vượt kế hoạch là: dệt may, nông sản, rau quả và thực phẩm chế biến. Riêng nhóm hàng thủ công mỹ nghệ giảm, nhất là hàng cói giảm mạnh do các doanh nghiệp cói Kim Sơn không duy trì được 2 thị trường xuất khẩu chủ yếu là Đức và Mỹ, trong khi đó một số doanh nghiệp chuyển sang sản xuất mặt hàng bèo khô. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá là: hàng may mặc đạt 12,4 triệu USD, hàng thêu 7,8 triệu USD, rau quả 6,2 triệu USD, thịt lợn đông lạnh 2,9 triệu USD. Xuất khẩu tăng đã cho thấy sức sản xuất ngày càng được mở rộng, năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp ngày càng cao. Mặt khác, chất lượng hàng hóa xuất khẩu được nâng lên và một số doanh nghiệp mạnh dạn khai thác xuất khẩu mặt hàng mới đã góp phần tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.
Thị trường xuất khẩu tiếp tục được giữ vững và mở rộng thêm một số thị trường mới. Đến nay hàng hóa của tỉnh ta đã xuất khẩu sang 31 nước trên thế giới như: Tây Ban Nha, Mỹ, ý, Đức, Nhật, Anh, Malaysia… thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao nhất là châu Âu chiếm 62,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp ngày càng tăng cả về số lượng và kim ngạch xuất khẩu như: Công ty cổ phần May Ninh Bình đạt 5,7 triệu USD, Công ty cổ phần Sản xuất - xuất nhập khẩu đạt 4,8 triệu USD, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao 4,1 triệu USD, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ Đông Thành 3,1 triệu USD, Công ty cổ phần chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu 2,9 triệu USD, Công ty TNHH An Lộc 2,2 triệu USD… đã tạo ra động lực quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh.
Hướng tới xuất khẩu trực tiếp
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng quy mô xuất khẩu còn nhỏ bé so với cả nước. Kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu do đóng góp của hàng gia công như hàng may mặc; nguồn nguyên liệu, phụ liệu phụ thuộc lớn vào đơn đặt hàng của nước ngoài, dó đó luôn chịu sự biến động của giá cả thị trường thế giới hay sự xuất hiện của các rào cản kỹ thuật thương mại của nước ngoài. Cơ cấu hàng xuất khẩu có chuyển biến nhưng chưa đảm bảo tính ổn định, hợp lý. Chủng loại hàng hóa xuất khẩu còn đơn điệu, chưa xuất hiện những mặt hàng mới; số lượng mặt hàng có giá trị gia tăng cao còn ít, chủ yếu là các mặt hàng gia công; hàng xuất khẩu của tỉnh chủ yếu vẫn dựa vào khai thác lợi thế sẵn có của địa phương và chủ yếu xuất khẩu qua ủy thác. Khả năng nắm bắt những cơ hội để thâm nhập và khai thác thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; quy mô của các doanh nghiệp còn nhỏ, yếu về năng lực, kém về kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh thương mại quốc tế; đa phần doanh nghiệp không có chiến lược kinh doanh dài hạn.
Năm 2008 là năm thứ hai Việt Nam tiếp tục thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của thành viên WTO, cũng là năm Việt Nam chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết trước khi mở cửa thị trường phân phối vào 1/1/2009. Theo dự báo, cùng với giới hạn của nguồn cung cấp năng lượng và nguyên vật liệu, những thay đổi bất thường của thời tiết, khí hậu sẽ có nhiều tác động về thị trường, giá cả và sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Do vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành và doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Năm 2008, toàn tỉnh phấn đấu tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 130 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 35 triệu USD. Trước tiên là quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Làm tốt công tác thông tin xúc tiến thương mại, tổ chức nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước. Xây dựng chiến lược phát triển xuất khẩu của tỉnh, trong đó tập trung vào nhóm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như hàng dệt may, cói, thêu, đá mỹ nghệ…; nhóm hàng nông sản, thực phẩm như thịt lợn, dứa, nấm rơm, rau quả, nhất là sản phẩm vụ đông như: ngô ngọt, dưa bao tử, nấm rơm, ớt xanh, đậu.
Tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt đối với các sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng công tác an toàn vệ sinh nhằm đáp ứng tiêu chuẩn thực phẩm xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Mỹ. Thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại với các làng nghề truyền thống trong mối tương quan với sự phát triển du lịch Ninh Bình nhằm thu hút, khai thác kim ngạch xuất khẩu tại chỗ. Kêu gọi thu thú đầu tư, ưu tiên cá dự án sản xuất hàng xuất khẩu trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu. Trước mắt, tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu hạt điều trên địa bàn huyện Kim Sơn nhằm tiếp thu công nghệ mới và giải quyết nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Thanh Chiên