Thực hiện Quyết định 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp", UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ năm 2011-2015, quyết định số 631/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27 giám định viên tư pháp và 29 giám định viên tư pháp theo vụ việc năm 2014. Hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đáp ứng được yêu cầu trong các hoạt động tố tụng và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an ninh chính trị - trật tự ATXH trên địa bàn.
Từ năm 2010 đến ngày 30-6-2014, toàn tỉnh đã tổ chức giám định 2.640 vụ việc, trong đó Phòng kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh): 1.368 vụ việc, phòng giám định pháp y (Bệnh viện đa khoa tỉnh): 1.252 vụ việc, tổ chức giám định pháp y tâm thần (Sở Y tế) 20 vụ việc.
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Dung và các đồng chí thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp tỉnh nhận định công tác giám định tư pháp hiện nay đòi hỏi phải áp dụng khoa học kỹ thuật ở nhiều ngành nghề, gây khó khăn cho địa phương trong việc đáp ứng yêu cầu trên các lĩnh vực, cụ thể như giám định ngân hàng, công nghệ thông tin, độc chất, ma túy, xây dựng...
Các đồng chí kiến nghị trung ương quan tâm, cấp kinh phí để bổ sung và mua sắm trang thiết bị mới, phương tiện làm việc phục vụ cho công tác giám định chuyên ngành ở địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ chuyên ngành ở địa phương được đào tạo về công tác giám định để bổ sung nguồn nhân lực cho đội ngũ giám định viên, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; xây dựng chính sách hỗ trợ và chế độ ưu đãi đặc thù cho đội ngũ giám định viên hoạt động ở những lĩnh vực khó khăn, phức tạp; ban hành quy trình giám định chuẩn, trong đó xác định rõ thời gian, số người làm giám định đối với từng loại việc giám định; Hướng dẫn trình tự thủ tục, hồ sơ thanh toán chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Kết luận hội nghị, đồng chí Kiều Đình Thụ, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá tỉnh Ninh Bình là một trong các tỉnh đã quan tâm, triển khai thực hiện công tác giám định tư pháp, đúng với qui định của Luật Giám định Tư pháp, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà Ban chỉ đạo Đề án của tỉnh Ninh Bình đang gặp phải.
Đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục tìm giải pháp tăng cường nhân lực cũng như năng lực chuyên môn cho đội ngũ giám định viên tư pháp, đầu tư cơ sở vật chất.Các ý kiến đề xuất của tỉnh, sẽ được Đoàn kiểm tra trình lên cấp trên xem xét, giải quyết.
Kiều Ân - Anh Tuấn