Sau 5 năm, thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, tỉnh Ninh Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo, hộ nghèo. Mục tiêu giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Ninh Bình đã có những chính sách đặc thù, ưu tiên về nguồn lực để giúp cho người nghèo, người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, chủ động hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiêu biểu như vấn đề nhà ở, nước sinh hoạt, khám, chữa bệnh, giáo dục và đào tạo, tạo việc làm, tăng thu nhập... cho hộ nghèoĐến nay, với tổng nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án cho chương trình giảm nghèo là trên 2.800 tỷ đã phát huy hiệu quả tích cực, hoàn thành tốt việc xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo đầu kỳ giai đoạn 2011- 2015 trên địa bàn tỉnh có trên 30 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 12%, đến năm 2015 ước giảm còn dưới 3,5%. Hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% trở lên, hạn chế tối đa hộ tái nghèo và phát sinh mới nghèo.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại huyện Kim Sơn và nghe báo cáo của Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Đăng Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng ghi nhận những kết quả mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2011-2015.
Đồng chí nhấn mạnh: Không những triển khai đúng, hiệu quả các chính sách giảm nghèo của Trung ương như: chính sách về y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý…, Ninh Bình còn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, có những chính sách riêng, đặc thù nhằm hỗ trợ cho người nghèo, vùng nghèo vươn lên như: chính sách hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà ở, chính sách hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2015…
Đồng chí Trưởng đoàn kiểm tra cũng đề nghị tỉnh Ninh Bình bổ sung thêm một số số liệu liên quan để hoàn thiện bản báo cáo.
Đồng chí Lê Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh đã tiếp thu ý kiến đóng góp của đoàn kiểm tra, đồng thời bày tỏ mong muốn tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo giảm nghèo Trung ương đối với công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ như: Tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ đối với những hộ mới thoát nghèo, để các hộ thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, các chính sách giảm nghèo cần tập trung nâng cao năng lực tự thoát nghèo cho người nghèo thay vì một số chính sách giảm nghèo mang tính bao cấp, hỗ trợ trực tiếp nên hình thành tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận người nghèo…
Thu Hằng