Vùng bãi bồi ven biển của huyện Kim Sơn hiện có trên 3.000 hộ dân thâm canh nuôi thả thủy sản nước lợ với diện tích trên 2.000 ha thuộc khu vực trong và ngoài đê Bình Minh II. Các con nuôi chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cua biển, đi kèm với đó là các dịch vụ cung ứng và sản xuất con giống tại chỗ, dịch vụ thức ăn, thuốc thú y thủy sản, các cơ sở thu mua thủy sản, các hộ thu gom nhỏ lẻ.
Để thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn, Đoàn đã tiến hành kiểm tra các cơ sở thu mua chính trên địa bàn gồm các khu sản xuất nước đá bảo quản thủy sản, khu nhà xưởng tập kết thủy sản, phương tiện phục vụ vận chuyển...
Theo đánh giá ban đầu, các cơ sở đã có đầy đủ các điều kiện hành nghề, thu gom thủy sản đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm được bảo quản tươi sống cấp đến người tiêu dùng, không còn tình trạng thủy sản phải ướp lạnh, lưu kho nhiều ngày mới xuất bán.
Tuy nhiên, Đoàn cũng nhắc nhở các cơ sở thu mua cần phải có khu xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh, không nên xả nước thải tràn lan ra môi trường xung quanh như hiện nay vì đây là môi trường tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh dễ xâm nhập vào thực phẩm thủy sản sau thu hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm tiêu dùng.
Đoàn đã tiến hành kiểm tra khâu nuôi trồng, quy trình kỹ thuật, chăm sóc, quản lý đầm nuôi tôm công nghiệp sạch của một số mô hình đang triển khai thuộc Khu công nghiệp Kim Trung. Đây là mô hình nuôi thả thủy sản mới, nguồn con giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi đều tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, do vậy chất lượng sản phẩm, năng suất tăng, góp phần cung cấp sản phẩm thủy sản sạch cho thị trường.
Hoàng Tâm