Vào ba ngày giáp Tết, giá thịt bò bắp tại thành phố Ninh Bình tăng từ 250.000đồng/kg lên 270.000đồng/kg, giò bò cũng tăng giá khoảng 10%; gà ta tăng khoảng 11% lên 120.000đồng/kg hơi; giá thịt lợn và hải sản có dao động nhẹ tại một số địa bàn.
Từ ngày mùng 2 Tết, tại nhiều chợ trên địa bàn thành phố và trung tâm các huyện đã mở bán hàng trở lại. Hàng hóa được bày bán trong những ngày này chủ yếu là cá, thịt bò, rau xanh, đậu và các loại hải sản tươi sống, các mặt hàng thực phẩm công nghệ phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, các mặt hàng tương đối ổn định. Bà Minh, thành phố Ninh Bình cho biết: Những năm trước đây cứ đến Tết là mọi người mua rất nhiều thực phẩm dự trữ, nhưng mấy năm nay, để đảm bảo sức khỏe cho người thân trong gia đình nên tôi không tích trữ nhiều từ trước Tết, chợ đã hoạt động trở lại từ mùng 2 với đủ các loại thực phẩm tươi sống.
Tuy giá có tăng hơn 1 chút nhưng chấp nhận được. Mặc dù nhu cầu của người dân sau Tết đối với mặt hàng rau, củ, quả tăng mạnh, nhưng hiện nay đang trong thời kỳ cho thu hoạch hàng loạt, khiến nguồn cung này luôn dồi dào. Vì thế, không xảy ra tình trạng giá cả tăng hơn ngày thường như những năm trước.
Trước Tết, Sở Công thương đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh đã chủ động cân đối thị trường, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, kho bãi dự trữ đủ nguồn hàng và cam kết không tăng giá trong dịp Tết, trong đó có nhiều doanh nghiệp không được hỗ trợ kinh phí bình ổn giá cũng cam kết không tăng giá; các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến mại, giảm giá cũng được doanh nghiệp tăng cường trong dịp Tết nhằm thu hút khách hàng.
Với việc triển khai các biện pháp ổn định thị trường nên hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tương đối ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Các mặt hàng công nghệ phẩm phục vụ Tết chủ yếu là hàng hóa Việt Nam do các công ty có uy tín sản xuất như: Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina, Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu, Công ty TNHH dầu thực vật Cái Lân, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH MTV rượu vang Thăng Long, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Công ty cổ phần thương mại Tràng An...; mặt hàng hoa, cây cảnh cũng đã được bày bán từ ngày 20 tháng Chạp.
Tại một số huyện, thành phố đã tổ chức chợ hoa Xuân để phục vụ nhu cầu mua sắm hoa, cây cảnh trang trí nhà cửa trong dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng hoa, cây cảnh năm nay chủ yếu là quất, đào, lan, bưởi cảnh, cam cảnh; mặt hàng rau, củ quả và thực phẩm tươi sống có nguồn cung mạnh do điều kiện thời tiết những tháng giáp Tết khá thuận lợi.
Với trên 100 điểm bán hàng bình ổn giá tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp đăng ký bán các mặt hàng bình ổn giá đã tạo hiệu ứng tốt cho thị trường, góp phần ổn định thị trường, giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay; ngoài ra các cơ sở kinh doanh khác cũng cam kết không tăng giá, triển khai chương trình "Khóa giá", giá hàng hóa được giữ cố định như đã niêm yết ngay cả khi giá sản phẩm cùng loại trên thị trường có biến động đã góp phần ổn định thị trường, giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể giá một số mặt hàng quan trọng như lương thực, thực phẩm chế biến, bánh, kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát ổn định.
Thống kê của Sở Công thương cũng cho thấy, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay ước tăng khoảng 18% so với mức tăng bình quân của các tháng trong năm, tăng khoảng 5-7% so với Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Giá trị hàng hóa tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán ước đạt trên 500 tỷ đồng. Các mặt hàng bao gồm: Bánh, mứt, kẹo các loại khoảng 1.400 tấn; hạt các loại khoảng 72 tấn; đường kính khoảng 180 tấn; dầu ăn khoảng 320 tấn; mỳ chính, bột ngọt khoảng 62 tấn; muối, bột canh, hạt nêm 140 tấn; chè các loại khoảng 30 tấn; gạo tẻ khoảng 2.400 tấn; gạo nếp, gạo tẻ, đậu, miến... khoảng 3.500 tấn; thịt gia súc, gia cầm và chế biến từ thịt khoảng 1.800 tấn; giá trị mặt hàng hoa, cây cảnh, đào, quất khoảng 35 tỷ đồng...
Thời điểm này thị trường hàng hóa vẫn đang rất nhạy cảm cần kiểm soát tốt để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Chính vì vậy, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với Cục quản lý thị trường theo dõi sát những diễn biến thị trường về cung cầu, giá cả hàng hóa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm.
Sau Tết cũng là thời điểm các ngành, các cấp tập trung cao cho công tác ATTP, việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu cho nhân dân, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ phục vụ lễ hội tại các điểm, các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; giám sát các điểm bán thịt dê tươi sống tự phát trên các tuyến đường du lịch.
Nguyễn Thơm