Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Cùng Tổ công tác liên ngành triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đi kiểm tra tại một số cơ sở giết mổ, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy đa số người dân đều đã nắm được những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng.
Trong đợt cao điểm kiểm tra chất cấm vừa qua, Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra 73 cơ sở, bao gồm: 22 cơ sở chăn nuôi lợn thịt có quy mô chăn nuôi từ 50 con trở lên; 8 cơ sở giết mổ công suất từ 3 đến 5 con/ngày; 24 cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; 19 quầy thịt lợn. Kết quả cho thấy, ngoài việc thực hiện nghiêm túc quy định về thức ăn trong chăn nuôi, không sử dụng chất cấm, đa phần các trang trại, hộ dân nuôi lợn trên địa bàn cũng thực hiện khá tốt các quy định về môi trường, phòng, chống dịch bệnh…
Các đại lý thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi đều cung ứng sản phẩm thuốc, cám của các công ty, doanh nghiệp lớn, có tên tuổi, uy tín, chất lượng. Tiến hành test thử nhanh Salbutamol đối với 50 mẫu thức ăn chăn nuôi, 70 mẫu nước tiểu, 3 mẫu thịt thì có 49/50 mẫu thức ăn chăn nuôi, 69/70 mẫu nước tiểu, 3/3 mẫu thịt âm tính với Salbutamol. Những con số trên cho thấy, so với các tỉnh thành khác trong cả nước, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn được kiểm soát tương đối tốt.
Mặc dù vậy, trong đợt kiểm tra vừa qua cũng đã phát hiện một hộ chăn nuôi tại thôn Minh Hồng, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan có sử dụng chất cấm. Đó là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn. Được biết, khi Đoàn kiểm tra, gia đình hiện đang nuôi tổng số 105 con lợn thịt, trong đó ô chuồng số 3 có 15 con đang chuẩn bị xuất chuồng, trọng lượng trung bình từ 80-100 kg. Kết quả lấy mẫu test thử nhanh đối với chất cấm chăn nuôi tại ô chuồng số 3: có 1/1 mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm, 1/1 mẫu thức ăn tại máng ăn dương tính với chất cấm, 2/2 mẫu thức ăn tại kho âm tính với chất cấm.
Đại diện Thanh tra Sở NN&PTNT cho biết: hành vi sử dụng chất cấm không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức. Do vậy, chúng tôi đã tiến hành xử phạt nghiêm minh, lập biên bản giữ các đàn lợn yêu cầu nuôi dưỡng cho đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán.
Đồng thời, ra quyết định xử phạt 11 triệu đồng đối với cơ sở này, trong đó có 3,5 triệu đồng đối với hành vi không có giấy chứng nhận vệ sinh thú y đối với cở sở chăn nuôi tập trung và 7,5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Đẩy mạnh tuyên truyền "Nói không với chất cấm"
Các chất tạo nạc thuộc nhóm beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine) đã bị cấm không được dùng để chăn nuôi theo quyết định của hai tổ chức WHO (Y tế Thế giới) và FAO (Nông lương Thế giới). Các chất này bị cấm vì gây ra độc hại cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm thịt còn tồn dư lượng. Theo giới y khoa, chúng gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ, hệ tim mạch, gây biến chứng ung thư… cho người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, các chất này đã bị cấm sử dụng từ năm 2002. Không chỉ gây nguy hại tới sức khỏe của người tiêu dùng, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn gây tác hại tới nền kinh tế bởi chúng ta đã hội nhập sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc trong sản xuất loại hàng hóa mà các nước nhập hàng của chúng ta đưa ra.
Trở lại với trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn, thôn Minh Hồng, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan. Khi được hỏi vì sao biết chất cấm là nguy hại nhưng vẫn sử dụng, chủ hộ này cho biết: Khi sử dụng cũng chỉ biết đó là men tiêu hóa, chất kích thích tăng trưởng, thấy có người bán thì mua về dùng chứ không biết được cái nào bị cấm, cái nào độc, cái nào không độc.
Như vậy, có thể thấy chính sự thiếu hiểu biết của người chăn nuôi đã khiến cho chất cấm dễ dàng xâm nhập vào máng ăn của các trang trại, nông hộ. Ông Nguyễn Huy Đoàn, phó chủ tịch UBND xã Xích Thổ cho biết: Chăn nuôi lợn là một trong những thế mạnh của xã những năm gần đây. Hiện toàn xã có 30-40 hộ chăn nuôi với quy mô trên 100 con lợn và rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Để đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững, tránh trường hợp người chăn nuôi vì thiếu hiểu biết, thiếu thông tin mà vô tình sử dụng chất cấm.
Ngay sau khi phát hiện 1 trường hợp hộ chăn nuôi trên địa bàn sử dụng chất cấm trên địa bàn, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh khuyến cáo người dân cảnh giác với các hành vi chào hàng, buôn bán chất cấm giả danh là chất kích thích tăng trưởng, hướng dẫn người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn.
Tại Ninh Bình, mặc dù tỷ lệ phát hiện sử dụng chất cấm rất thấp nhưng các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn để loại bỏ hoàn toàn hành vi này. Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của ngành chức năng thiết nghĩ phải có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là người chăn nuôi, cam kết tuyệt đối không sử dụng chất cấm.
Bên cạnh đó, cần phát động những đợt cao điểm, tháng cao điểm ra quân kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất những trang trại chăn nuôi, những hộ kinh doanh buôn bán thực phẩm tươi sống và vận động những tổ chức hội, đoàn thể, quần chúng nhân dân tham gia "Nói không với chất cấm trong chăn nuôi". Thường xuyên cập nhật, thông tin rộng rãi Danh mục chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, mức độ nguy hại để người dân tự giác chấp hành, không sử dụng, kinh doanh...
Hà Phương