Nhà giáo Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thống kê toàn ngành, trong 1 tháng gần đây (từ giữa tháng 12/2021 đến giữa tháng 1/2022), toàn tỉnh có trên 60 trường học tạm dừng dạy và học trực tiếp, trong đó phần nhiều là dừng toàn bộ trường, một số là dừng các khối lớp hoặc từng lớp, tùy vào số ca bệnh ghi nhận được cũng như đánh giá về nguy cơ lây lan dịch của cơ quan chuyên môn. Số ổ dịch ghi nhận ở hầu hết các địa phương trong tỉnh và ở tất cả các cấp học, bậc học, từ Mầm non đến THPT.
Trong đó, nhiều nhất là huyện Kim Sơn, Nho Quan với trên chục trường; thành phố Ninh Bình và Tam Điệp, có gần chục trường; các huyện còn lại, mỗi địa phương có từ 3-5 trường, gồm toàn trường hoặc một phần khối lớp phải tạm dừng đến trường.
Theo đó, trong 1 tháng gần đây, toàn ngành Giáo dục ghi nhận gần 400 trường hợp F0, là cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các trường học trong tỉnh. Đã có trên 3 nghìn trường hợp F1, các trường hợp liên quan, tiếp xúc gần với các ca bệnh được khoanh vùng, giám sát và thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung, tại nơi cư trú và tại nhà.
Hiện có một số ổ dịch liên quan đến các trường học ghi nhận số ca mắc nhiều là: Ổ dịch xã Kim Đông (huyện Kim Sơn) liên quan đến các trường Mầm non, Tiểu học và THCS, với trên 100 ca bệnh; ổ dịch liên quan đến trường Tiểu học, THCS Lý Tự Trọng (thành phố Ninh Bình), ghi nhận trên 60 ca bệnh; ổ dịch trường THCS Lê Lợi (thành phố Tam Điệp), bước đầu ghi nhận trên 20 học sinh; ổ dịch xã Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư) liên quan đến học sinh các trường học trên địa bàn xã, ghi nhận trên 20 học sinh...
Theo đại diện các trường học, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các nhà trường đều chủ động nâng cao các biện pháp phòng chống dịch, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, giáo viên và phụ huynh, học sinh về ý thức và trách nhiệm trước dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền và cơ quan chuyên môn.
Cô giáo Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết, mặc dù tích cực và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định, tuy nhiên, dịch bệnh vẫn xuất hiện và lây lan trong nhà trường từ giữa tháng 1/2022. Trước thực tế ghi nhận hàng chục ca bệnh tại trường, với hàng trăm F1 tiếp xúc gần và gần 1 nghìn F2, nhà trường chỉ đạo các giáo viên, tổ bộ môn nhanh chóng xây dựng kế hoạch dạy và học trực tuyến tại tất cả các khối lớp.
Đồng thời kích hoạt lại và yêu cầu cán bộ, giáo viên thường xuyên theo dõi, nắm bắt các chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, công tác phòng chống dịch phù hợp trong các nhóm zalo của giáo viên, của lớp, của trường, thông báo cho phụ huynh theo dõi sức khỏe cho con tại nhà, nếu có các triệu chứng bất thường về sức khỏe kịp thời thông báo cho cơ quan chuyên môn và nhà trường...
Nhà giáo Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, từ những tháng cuối năm 2021, ngành Giáo dục Ninh Bình đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi trạng thái dạy và học phù hợp với điều kiện thực tế diễn biến dịch tại địa phương. Theo đó, hạn chế tối đa và dừng tổ chức các hoạt động tập trung đông người như chào cờ, hoạt động ngoại khóa, thể dục giữa giờ.
Đồng thời, phối hợp với ngành Y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên tại các nhà trường, địa phương có nhiều ổ dịch, ca bệnh cộng đồng, nhằm hạn chế và phát hiện kịp thời số ca mắc trong trường học, làm cơ sở cho việc khoanh vùng, giám sát, cách ly, chủ động các biện pháp phòng chống dịch phù hợp và hiệu quả.
Cùng với đó, ngành chỉ đạo các Phòng giáo dục huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục trong và ngoài nhà trường, các trường học thường xuyên nắm bắt tình hình sức khỏe, di biến động, yếu tố dịch tễ của cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên, đặc biệt chú ý những người về Ninh Bình từ những vùng có yếu tố dịch tễ phức tạp, yêu cầu khai báo y tế đầy đủ và thực hiện nghiêm túc quy định phòng dịch theo hướng dẫn, hạn chế tối đa số trường hợp trong diện F0, F1 đến trường.
Đối với các nhà trường đã ghi nhận các trường hợp F0, yêu cầu cán bộ, giáo viên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, bố trí lịch dạy và học trực tuyến phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh.
Đối với các nhà trường chưa ghi nhận ca bệnh, đảm bảo vệ sinh trường lớp, chuẩn bị đầy đủ thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch; đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch khi tổ chức ăn bán trú và nội trú cho học sinh, học viên tại đơn vị...
Đặc biệt, sẵn sàng và chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID trong các tình huống khi phát hiện có các trường hợp thuộc diện F0, F1, F2 ở trường; có phương án phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế địa phương trong công tác phòng chống, kiểm soát, cách ly và điều trị bệnh nhân cũng như tiêm vắc xin dự phòng cho các đối tượng học sinh khi đủ điều kiện và theo độ tuổi quy định, đảm bảo phải an toàn mới đến trường và đến trường phải an toàn.
Bài, ảnh: HẠNH CHI