Theo nghiên cứu dịch tễ của các tổ chức Quốc tế thì 3 nguyên nhân chính làm bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan, bao gồm: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.
Chính vì vậy, tạm dừng việc vận chuyển lợn sống, đóng cửa các chợ buôn bán lợn sống ở các tỉnh có dịch và tỉnh xung quanh liền kề với tỉnh có dịch; đồng thời thực hiện quy trình sát trùng người và phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật là những biện pháp tối quan trọng để ngăn ngừa dịch lây lan.
Thực hiện khuyến cáo này và trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngày 4/3, UBND tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định thành lập 3 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại các đầu mối giao thông, gồm: chốt cầu Khuất, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn; chốt cầu Non Nước, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình chốt Dốc Xây, phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp.
Đến ngày 9/3, khi phát hiện một ổ dịch tả lợn châu Phi tại hộ chăn nuôi ở thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư thì ngay lập tức 6 chốt kiểm dịch cũng đã được lập để chốt chặn các cửa ngõ ra vào vùng dịch. Bao gồm: 3 chốt từ tuyến đê sông Đáy vào làng La Phù, chùa Bạch Cừ và bến đò Bạch Cừ cũ; 3 chốt còn lại ở điểm cầu 3 xã, UBND xã và đầu làng La Phù. Mỗi chốt bố trí 9 người trực gồm công an, thú y, dân quân tự vệ và quản lý thị trường, chia làm 3 ca, trực 24/24 giờ.
Các chốt này thực hiện nhiệm vụ phun thuốc tiêu độc khử trùng đối với tất các phương tiện qua lại chốt; tạm thời nghiêm cấm việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch. Đối với những phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm nếu có đầy đủ giấy kiểm dịch thì các chốt hướng dẫn đi đường khác, tuyệt đối không cho đi qua vùng dịch…
"Chúng tôi triển khai trực thường xuyên 24/24 giờ bởi đây là một chốt kiểm dịch rất quan trọng, lượng xe qua lại rất đông, sẽ có những xe đi và về từ Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định. Nếu không làm chặt, để xảy ra việc vận chuyển lợn mà chưa qua kiểm dịch thì mầm bệnh sẽ phát tán, lây lan rất nhanh", chị Trần Thị Hoàng Mai, Trạm Chăn và nuôi thú y thành phố Ninh Bình - thành viên chốt Kiểm dịch tại cầu Non Nước cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại chốt kiểm dịch này thì lượng xe chở lợn qua lại đây rất ít, các chủ xe, chủ hàng đều nghiêm túc chấp hành việc kiểm dịch, có giấy tờ đầy đủ.
Còn tại chốt kiểm dịch trên địa bàn xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, nơi đang có dịch, tất cả các phương tiện qua lại từ ô tô con, xe tải, xe đạp, xe máy… qua lại chốt đều được lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra và phun thuốc khử trùng tiêu độc.
Ông Nguyễn Công Quân, Công an xã Ninh Khang, thành viên chốt kiểm dịch tại đây chia sẻ: Chúng tôi trực ở đây từ 14 giờ ngày 9/3, ngoài việc phun khử trùng các phương tiện qua lại, chúng tôi còn yêu cầu các chủ xe ô tô cho kiểm tra cốp, thùng hàng… để đảm bảo "nội bất xuất, ngoại bất nhập", tuyệt đối không để trường hợp nào mang thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn ra khỏi địa bàn.
Ngoài ra, việc vận chuyển thức ăn thừa từ nhà hàng cũng bị nghiêm cấm. " Ban đầu cũng có một số người dân phản ứng, cho rằng họ chỉ đi ra ruộng, đi học, đi làm… có làm gì liên quan đến lợn đâu mà phải dừng phun thuốc. Tuy nhiên sau khi được chúng tôi giải thích rằng tất cả người, phương tiện vào vùng dịch dù không tiếp xúc trực tiếp với lợn nhưng vẫn có nguy cơ mang vi rút gây bệnh thì đa phần người dân khi đi qua chốt đều tự giác dừng lại cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ", ông Quân cho biết thêm.
Trao đổi với anh Nguyễn Xuân Lập, chủ một xe vận chuyển lợn, anh Lập đồng tình với việc kiểm soát của ngành chức năng. Anh Lập cho biết: Tôi chỉ vận chuyển lợn từ Gia Viễn xuống lò mổ ở thành phố Ninh Bình nên không phải giấy kiểm dịch nhưng tôi vẫn được các lực lượng chức năng kiểm tra, khử trùng tiêu độc phương tiện và hướng dẫn tuyến đường vận chuyển. Tôi thấy làm chặt nhưng vậy là rất tốt, sẽ góp phần hạn chế được dịch bệnh lây lan, bảo vệ người chăn nuôi cũng như đảm bảo việc làm cho những người như chúng tôi.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho đến thời điểm hiện tại, các chốt hoạt động đều chưa ghi nhận tình trạng vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch hay có dấu hiệu mắc bệnh khi lưu thông trên địa bàn. Tại vùng đang có dịch là xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư cũng chưa phát hiện thêm trường hợp nào lợn ốm chết hay mắc dịch tả lợn châu Phi; không diễn ra việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra khỏi địa bàn.
Hà Phương - Trường Giang